Ở vùng quê Hiệp Xương, thuộc cù lao Phú Tân, cà na nhiều đến nỗi… trở thành niềm tự hào của người dân địa phương và đi vào thơ ca: “Hiệp Xương là xứ cà na”, hay “Hiệp Xương là xứ quê mùa – Đi thăm cháu nội một vùa cà na”.
Cà na mọc tự nhiên, cây càng lâu năm lại càng trĩu quả. Hôm nào hái không kịp, cà na chín rụng đầy mặt nước. Khác với cà na Thái Lan, “cà na ta” ít vị chát, chua, thịt dày, hạt nhỏ hơn.
Cuối tuần, vi vu về quê, chèo xuồng hái cà na dưới những tán lá mát rượi, hòa mình vào nhịp sống bình yên, cảm giác thú vị không gì bằng.
Thu hoạch những trái cà na ú nu, no tròn, ai cũng hồ hởi đợi các bà, các mẹ chế biến thành các món ăn vặt.
Ngày xưa, cà na chỉ là món ăn chơi của trẻ con, thường ăn sống chấm muối ớt.
Còn bây giờ, trái cà na dân dã đã giúp người dân hái ra tiền nhờ bỏ công chế biến thành mứt, rượu, cà na trộn chua ngọt…
Những món ăn “quê mùa”, với mùi thơm đặc trưng, vị chua ngọt hấp dẫn đã trở thành thương hiệu ẩm thực ở miền Tây khi mùa nước nổi về.
M.HẠNH