Cả nước đã ghi nhận 10.745 ca mắc tay chân miệng

14/07/2020 - 13:47

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có Công văn khẩn số 583/DP-DT yêu cầu các địa phương tập trung phòng chống dịch tay chân miệng, không để dịch diễn biến phức tạp.

Thực hiện vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ ở trường học. Ảnh: TTXVN.

Theo Hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng, bệnh xuất hiện tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có ca tử vong.

So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc tay chân miệng cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố đang có xu hướng gia tăng số ca mắc trong các tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Dự báo số mắc tay chân miệng sẽ có nguy cơ gia tăng cao hơn trong thời gian tới do tính chất dễ lây truyền, nhất là sắp tới mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, trong công văn khẩn, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng. Cụ thể:

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Các địa phương tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khoẻ; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, tập huấn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo trí, truyền hình...

Ngành Y tế các địa phương cũng phải phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới và thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin Tức)