Các cơ sở chế biến thịt khiến Brazil trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới

16/07/2020 - 18:53

Các chuyên gia cho rằng điều kiện làm việc tại các nhà máy chế biến thịt đã khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng và biến Brazil trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới.

JBS và BRF, hai trong số các công ty chế biến thịt lớn nhất của Brazil, đang thu hút sự chú ý trong việc xử lý khủng hoảng đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), các nhà máy chế biến thịt tại Brazil có thể khiến virus lây lan ra ít nhất 3 địa điểm khác nhau trên khắp đất nước, do thực phẩm nhiễm virus được chuyển từ các thành phố lớn đến nhiều khu vực khác.

Ngành kinh doanh nông nghiệp được coi là thế mạnh của Brazil. Theo Liên minh Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (CAN), ngành thịt bò của nước này có giá trị lên đến 26 tỉ USD, trong khi ngành thịt gà trị giá 8 tỉ USD. Vì thu được lợi nhuận kinh tế lớn, nên các nhà máy chế biến thịt vẫn hoạt động ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Công nhân làm việc trong các nhà máy với nền nhiệt lạnh sâu, thường đứng sát nhau, cũng là điều kiện thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng.

“Điều kiện như thế có thể tạo ra các ổ virus nguy hiểm này. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công nhân nhiễm bệnh từ đó”, bà Priscila Schvarcz, công tố viên chịu trách nhiệm giám sát luật lao động của Bộ Lao động Công cộng (MPT), cho biết.

Bang Rio Grande do Sul là một trong những “điểm nóng” dịch COVID-19 tại Brazil. Hàng nghìn công nhân ở 32 cơ sở chế biến thịt tại bang dương tính với virus SARS-CoV-2. Con số này chiếm 1/3 tổng ca các nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực này.

Một nghiên cứu của MPT cũng cho biết các trường hợp mắc COVID-19 ở miền trung và miền nam Brazil đều tập trung quanh các thị trấn, nơi có các nhà máy chế biến thịt và nhiều công nhân sinh sống. Ông Ernesto Galindo, tác giả của nghiên cứu, khẳng định có mối liên hệ trực tiếp giữa các ca mắc COVID-19 với các nhà máy này.  

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thịt JBS ở thị trấn Lapa, bang Paraná, Brazil, hồi tháng 3. Ảnh: Reuters

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Tuy nhiên, vào đầu tháng này, nước này đã tạm dừng việc nhập khẩu thịt từ 2 công ty thịt lớn nhất, bao gồm BRF và JBS. Bộ Nông nghiệp Brazil cũng đã tạm dừng việc xuất khẩu từ công ty chế biến thịt JBS tại Rio Grande do Sul, tờ Valor của Brazil cho biết.

BRF cho biết họ đang làm việc với các nhà chức trách Brazil và Trung Quốc để tiếp tục xuất khẩu thịt. Trong khi đó, vào cuối tháng 5, công ty này đã ghi nhận 98 trong số 2.873 công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cơ sở chế biến tại Lajeado, Rio Grande do Sul. JBS chưa có phản ứng gì trước quyết định ngừng nhập khẩu thịt của Trung Quốc.

Tại một nhà máy chế biến thịt của JBS ở thị trấn Dourados, bang Mato Grosso do Sul, 1/4 công nhân trong số trên 4.000 lao động dương tính với virus SARS-CoV-2. Công ty đã cho 1.600 nhân viên tạm nghỉ việc và vẫn được hưởng lương đầy đủ. Tuy nhiên, họ không đóng cửa nhà máy này. Tính đến ngày 14/7, thị trấn Dourados đã ghi nhận 3.481 trường hợp mắc COVID-19, chiếm 1/4 tổng ca mắc bệnh của bang.

Bà Andyane Tetila, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Dourados, làm việc cho dịch vụ y tế quốc gia, cho biết nhà máy chế biến thịt JBS ở Dourados “là nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên” trong khu vực. Nhà máy này JBS có 103 công nhân bản địa và nhiều người sống trong khu bảo tồn gần đó. Cô Indianara Machado, một y tá làm việc trong khu bảo tồn cho biết trên 150 người đã bị nhiễm virus.

JBS nói rằng họ đã cho tất cả các công nhân bản địa nghỉ phép có lương. Hiện tại, họ đang hỗ trợ các sáng kiến để kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát virus SARS-CoV-2 ở hơn 100 thành phố trên khắp Brazil.

Trong khi đó, 85 công nhân khác làm việc tại nhà máy BRF trong thị trấn cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Công ty cho biết các công nhân mắc bệnh không được trả lương, nhưng họ được các chuyên gia sức khỏe chăm sóc cho đến khi hồi phục.

Vào tháng 6, một nhà máy chế biến thịt của JBS nằm tại thị trấn São Miguel do Guaporé, đã phải dừng hoạt động sau lần thứ 2 phát hiện các ca nhiễm bệnh. Tính đến ngày 25/7, 377 người trong tổng số 940 nhân viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm hơn 1 nửa các ca bệnh của thị trấn.

Anh Leandro da Conceição, 33 tuổi, một trong những công nhân của nhà máy, cho biết anh xuất hiện các triệu chứng như mất khứu giác và vị giác. Tuy nhiên, người giám sát của anh đã phớt lờ điều đó và Conceição phải tiếp tục làm việc trong tình trạng bệnh tình ngày càng nặng.

“Điều đó đã vượt quá sức chịu đựng của tôi. Tôi đã nói với cấp trên của mình rằng tôi không khỏe. Nhưng anh ta chỉ quan tâm đến những con bò, chứ không phải nhân viên”, Conceição nói.

Conceição đã được đưa về nhà sau khi nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, anh và một người khác đã bị sa thải khi những công nhân khác phàn nàn về việc lây nhiễm trong nhà máy.

“Chúng tôi nhận thấy công ty đã không tiến hành các biện pháp phòng dịch. Công nhân vẫn phải làm việc dù họ có các triệu chứng và điều này có thể khiến virus lây lan nhanh chóng”, công tố viên Helena Romero cho biết.

Công nhân của nhà máy chế biến thịt JBS tại thị trấn Passo Fundo, Rio Grande do Sul, đang kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Reuters

Sau khi dịch bệnh bùng phát tại Lajeado, BRF đã ký kết một thỏa thuận ngoài pháp lý với các công tố viên lao động. Công ty này cho biết trong 2 tháng qua, họ đã tiến hành xét nghiệm cho 31.000 nhân viên trên toàn quốc.

Các biện pháp phòng dịch cũng được thực hiện bao gồm giảm một nửa công xuất hoạt động của xe đưa đón, cho công nhân trong nhóm rủi ro tạm nghỉ việc. Một ủy ban thường trực bao gồm các chuyên gia hiện đang theo dõi hoạt động của họ. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà máy đóng cửa, 34 nhà máy hiện vẫn đang hoạt động.

Trong khi đó, JBS – công ty chế biến thịt lớn nhất Brazil – đã không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với các công tố viên. Hôm 23/6, thẩm phán đã yêu cầu tất cả các công nhân của nhà máy JBS tại bang Rio Grande do Sul xét nghiệm virus. Tuy nhiên, tất cả các nhà máy đều hoạt động trở lại sau đó.  

JBS đã không giải thích lý do tại sao họ không ký  thỏa thuận với các công tố viên lao động và từ chối bình luận về sự bùng phát tại các nhà máy riêng lẻ. Công ty cho biết ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là sức khỏe và sự an toàn của công nhân.

JBS cũng đã áp dụng một số quy định kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt và cam kết tuân thủ đầy đủ các quy tắc theo chỉ thị của chính phủ. Hàng ngày, các nhà máy đều được khử trùng và công nhân đều được đo nhiệt độ. Họ cũng đã điều động thêm xe đưa đón và trả lương khi nghỉ phép cho bất kỳ ai có triệu chứng mắc bệnh.

Không chỉ tại Brazil, một số quốc gia khác - bao gồm Mỹ, Canada, Ireland và Đức - cũng đã ghi nhận các ổ dịch COVID-19 có liên quan đến đến trại giết mổ, chế biến thực phẩm. Tính đến ngày 16/7, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 1.970.909 trường hợp mắc COVID-19 với 75.523 ca tử vong, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)