Các địa phương sẵn sàng cho thi THPT, an toàn của thí sinh là ưu tiên hàng đầu

07/08/2020 - 08:55

Các địa phương cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Theo thống kê, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Vĩnh Phúc có hơn 12.000 học sinh đăng ký dự thi tại 26 điểm thi với 531 phòng thi. Địa phương huy động hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành GD&ĐT và các ngành, đơn vị liên quan phục vụ công tác thi.

Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh giao cho Sở GD&ĐT chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ việc in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo bài thi; chuẩn bị giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm...

Đến nay, 26 điểm thi cơ bản hoàn tất công tác phun khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị bàn ghế, điện, quạt mát, camera, nước sát khuẩn; công tác phòng, chống cháy nổ… đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi.

Theo ông Vũ Việt Văn, thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là kỳ thi quan trọng. Kết quả sẽ phản ánh chất lượng GD&ĐT của tỉnh, do vậy, các điểm thi cần tiếp tục rà soát lại tất cả các khâu tổ chức kỳ thi; bố trí lực lượng an ninh, y tế tại các điểm thi và chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ thi.

Các điểm thi đã hoàn tất công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: H.C)

Theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ninh, tỉnh có 14.600 thí sinh đăng ký dự thi tại 34 điểm thivới 767 phòng thi, trong đó 68 phòng thi dự phòng cho phương án COVID-19.

Đến nay, Quảng Ninh chưa ghi nhận trường hợp thí sinh nào tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19. Trong thời gian diễn ra, nếu thí sinh có biểu hiện ho, sốt, cảm cúm sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm thí sinh vẫn được thi tại phòng riêng tại địa điểm thi đã đăng ký từ trước.

Tính đến sáng 7-8, các điểm thi được bố trí đủ số khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị khử khuẩn và dụng cụ đo thân nhiệt cho các thí sinh. Trước thời điểm diễn ra kỳ thi từ khâu bảo mật, in sao, vận chuyển phải bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng quy trình của Bộ GD&ĐT.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đến nay công tác kiểm tra và đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT 2020 cơ bản hoàn tất. Hiện 143 điểm thi ở Hà Nội chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay, khẩu trang dự phòng, máy đo thân nhiệt cho tất cả cán bộ, học sinh. Năm nay, Hà Nội huy động hơn 10.000 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi, 1.500 cán bộ bảo vệ an ninh phục vụ cho kỳ thi, trên 300 giáo viên làm cán bộ thanh tra để đảm bảo kỳ thi vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn.

Mỗi điểm thi cần bố trí ít nhất 5 nhân viên y tế và bảo đảm có mặt trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi để thực hiện đo thân nhiệt cho các thí sinh vào đầu giờ của các buổi thi, sẵn sàng đáp ứng y tế và xử lý khi có tình huống phát sinh. Mỗi điểm chuẩn bị 2 phòng thi dự phòng để sử dụng trong tình huống phát hiện thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở... 

Ông Chấu Tuấn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết, đến nay công tác chuẩn bị của tỉnh đã được triển khai và sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 8.545 thí sinh đăng ký dự thi ở 21 điểm thi với 375 phòng thi. Sở huy động 1.250 cán bộ coi thi, 60 giáo viên dự phòng, 50 giám thị và 67 giám thị của Bộ GD&ĐT đến giám sát tăng cường.

Hiện tỉnh hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để các em vì khó khăn về kinh tế, đi lại mà không thể tham gia dự thi. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho kỳ thi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Mỗi điểm thi ít nhất phải có hai phòng thi dự phòng; tổ chức phun thuốc khử trùng tất cả các điểm thi trước khi thí sinh tập trung. Bắt buộc đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang đối với tất cả thí sinh, cán bộ coi thi và những người làm nhiệm vụ có liên quan trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

(Ảnh minh hoạ: H.C)

Tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, toàn tỉnh có khoảng 5.757 thí sinh đăng ký dự thi tại 14 điểm với 248 phòng thi, 17 phòng chờ và 28 phòng thi dự phòng.

Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở tăng cường bố trí giáo viên có trách nhiệm, tận tâm hướng dẫn cho học sinh ôn tập để củng cố kiến thức, giải đáp các thắc mắc. Đặc biệt quan tâm tới nhóm học sinh có học lực trung bình, yếu. Việc ôn luyện bám sát nội dung chương trình lớp 12 và đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Ninh Thuận huy động gần 850 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác kỳ thi năm nay. Đồng thời, chủ động các phương án, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn sức khỏe thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, toàn bộ bài thi được giao về Ban Thư ký Hội đồng thi ngay sau buổi thi cuối cùng ngày 10-8. Công tác chấm thi ở các địa phương sẽ được thực hiện từ ngày 13 đến 26-8.

Kết quả dự kiến công bố ngày 27-8. Hoàn thành xét và công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 30-8. Địa phương công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ chậm nhất ngày 1-9; chấm phúc khảo hoàn thành ngày 20-9.

Theo HÀ CƯỜNG (VTC NEWS)