Tập trung cho nông nghiệp
Quý I-2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang (theo giá so sánh 2010) tăng 5,95% so cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (KV1) tăng 1,22%, khu vực công nghiệp - xây dựng (KV2) tăng 9,35%, khu vực dịch vụ (KV3) tăng 9,51%.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Phước, để đạt được kịch bản tăng trưởng GRDP cả năm 2018 là 6-6,5% thì các tháng còn lại phải nỗ lực nhiều hơn.Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GRDP 6 tháng phải đạt 6% (KV1 tăng 1,43%, KV2 tăng 7,87%, KV3 tăng 8,34%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,92%); 9 tháng phải tăng 6,2% (KV1 tăng 1,77%, KV2 tăng 8,25%, KV3 tăng 8,66%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,13%). Khi cả năm 2018 đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,5%, KV1 phải tăng 2,25%, KV2 tăng 8,2%, KV3 tăng 8,88%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 5,44%.
Trong các giải pháp cần triển khai thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2018, nông nghiệp (NN) vẫn là lĩnh vực quan trọng. Để triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành NN theo ngành hàng và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển NN ứng dụng công nghệ cao (CNC), tỉnh tập trung mời gọi đầu tư vào NN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo quỹ đất phục vụ sản xuất lớn, hiện đại.
Bên cạnh thí điểm phân cấp công nhận doanh nghiệp (DN) NN CNC, tỉnh tiếp tục triển khai đào tạo cán bộ cho hợp tác xã (HTX) và DN tại Nhật Bản, Israel, hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo gắn với DN. Tập trung thực hiện các kế hoạch phát triển thủy sản bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, tái cơ cấu ngành hàng lúa, gạo, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững...
Nhằm tăng hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bên cạnh nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, tỉnh sẽ đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của HTX, tổ hợp tác trong NN. Theo đó, sẽ hình thành các liên hiệp HTX gắn với DN tiêu thụ như: Tập đoàn Lộc trời, Tập đoàn Vương Đình, Công ty Vinacam, Tập đoàn Tân Long… Đồng thời, phát triển thêm các HTX rau màu, cây ăn trái và sản xuất giống cá tra.
Tiếp tục thu hút đầu tư
Trong lĩnh vực công nghiệp (CN), tỉnh sẽ xây dựng và ban hành quy định về quy chế phối hợp, quản lý, đầu tư phát triển cụm CN trên địa bàn cũng như quy định, trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm CN hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các DN trong và ngoài tỉnh để mời gọi đầu tư vào các cụm CN trên địa bàn. Sắp tới, tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành CN theo hướng tập trung vào những ngành CN nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững của tỉnh.
Song song đó, sẽ lựa chọn sản phẩm chủ yếu của ngành CN chủ lực để ưu tiên phát triển, cơ cấu lại ngành nghề theo thế mạnh của từng địa phương; nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển ngành cơ khí, cơ khí hỗ trợ, phục vụ phát triển NN.
Về thương mại, tỉnh xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả, thịt heo trên địa bàn An Giang để từng bước nâng cao chất lượng và tạo uy tín thương hiệu cho nông sản địa phương đối với người tiêu dùng, đáp ứng xu thế phát triển của thị trường.
Tỉnh sẽ triển khai thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư (PPP), ban hành cơ chế hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Thông qua chương trình “Người tiêu dùng nhận dạng sản phẩm An Giang”, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm An Giang đến với người tiêu dùng địa phương và khách du lịch.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 840 triệu USD năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Các ngành tỉnh đang theo dõi, hỗ trợ DN đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm gạo vào thị trường Iran, đồng thời, làm việc với Cục DN quốc tế Singapore (IE, cơ quan quản lý và cấp phép xuất, nhập khẩu mặt hàng gạo), một số siêu thị, nhà nhập khẩu gạo lớn và Hiệp hội gạo ở Singapore nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh tỉnh An Giang vào thị trường Singapore.
Tỉnh còn gắn kết giới thiệu các mặt hàng chủ lực của An Giang tại tỉnh Champasack, Savannakhet, Vientian (Lào); tổ chức đoàn DN đến làm việc với các DN Cuba, Mexico; phối hợp Sở Thương mại Takeo, Kandal (Campuchia) triển khai các hoạt động hợp tác phát triển thương mại biên giới…
Từ nay đến cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, An Giang chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển DN, tiến tới mục tiêu đạt 10.000 DN vào năm 2020. Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, dự kiến tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8), sẽ là cơ hội để tỉnh thu hút thêm nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2018 cũng như tạo bứt phá để An Giang vươn lên.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN