Các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động

02/10/2020 - 07:39

Ngày 1-10, nhiều ngân hàng thương mại công bố biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, các ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng, đặc biệt một số ngân hàng còn điều chỉnh mạnh tới 0,7%, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức 4%/năm.

Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Vietcombank Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: VCB

Ghi nhận trên thị trường cho thấy tín hiệu giảm lãi suất huy động mới diễn ra mạnh mẽ. Ðơn cử, trên biểu niêm yết mới nhất tại Ngân hàng Á Châu (ACB), lãi suất tiết kiệm truyền thống ở kỳ hạn một tháng giảm 0,1%, xuống còn 3,6 đến 3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn hai và ba tháng giữ nguyên so với tháng 9, từ 3,8 đến 3,9%/năm. Ðối với hình thức tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn từ một đến ba tháng của ACB giảm 0,23 đến 0,3%, xuống còn 3,8 đến 4%/năm. Các sản phẩm tiết kiệm khác tại ACB cũng áp dụng lãi suất kỳ hạn từ một đến ba tháng tối đa còn 4%/năm.Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lãi suất kỳ hạn từ ba đến sáu tháng từ ngày 1-10 cũng được áp dụng ở mức 3,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Trên thực tế, trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động từ ngày 1-10, lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng của phần lớn ngân hàng thương mại cũng đã ở dưới mức 4%/năm. Với quyết định điều chỉnh lần này, đây là lần thứ ba kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã có quyết định giảm lãi suất điều hành, với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%).

Lý giải cho lần điều chỉnh này, theo đại diện lãnh đạo NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chín tháng qua, tăng trưởng kinh tế đạt 2,12%, lạm phát được kiểm soát, bình quân đạt 3,85%. Do vậy, việc quyết định giảm thêm lãi suất điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Ðánh giá về động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục cho nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ NHNN. Ðiều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn nêu trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất. Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng, lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng thương mại trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành. Việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp. "Do vậy, quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Ðộng thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm" - phân tích từ các chuyên gia BVSC cho biết thêm. Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

Trong khi đó, theo TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN không gây bất ngờ vì trước đó, lãnh đạo NHNN đã phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất khi điều kiện thị trường cho phép. Hiện tại, lạm phát có xu hướng giảm, thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, trong khi tín dụng đang tăng trưởng thấp... Ðây là cơ sở quan trọng để NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi nhất để các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, người dân vay, kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Như vậy, việc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng là động thái tích cực tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Do vậy trong thời gian tới, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới. "Từ nay đến cuối năm, mặc dù vẫn còn khả năng hạ lãi suất thêm lần nữa, nhưng khó xảy ra nếu quá trình phục hồi kinh tế trong nước và thế giới tốt hơn" - TS Võ Trí Thành nhận định.

Theo HỒNG ANH (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích