Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hầu hết các nước tại châu lục này dựa vào nguồn vaccine của COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng để đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vaccine phòng COVID-19, với nhà cung cấp vaccine chính là Viện huyết thanh của Ấn Độ (SII). Tuy nhiên, nhu cầu vaccine gia tăng tại Ấn Độ cùng với việc dịch COVID-19 bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở nước này đã làm gián đoạn nguồn cung cho COVAX.
Theo Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi Ahmed Ogwell, vaccine AstraZeneca do SII sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chống COVID-19 tại lục địa này. Trên 20 nước ở châu Phi sử dụng vaccine AstraZeneca đều bị ảnh hưởng do không tìm được nguồn cung.
Hiện tại chương trình COVAX đang cần gấp 20 triệu liều vaccine vào cuối tháng 6 tới để giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn cung và đã kêu gọi sự chia sẻ từ các quốc gia giàu có đang dư thừa nguồn vaccine. Trong khi đó, SII đã tạm dừng xuất khẩu vaccine hồi tháng 3 vừa qua.
Giáo sư vi sinh lâm sàng thuộc Đại học Cambridge (Anh) Ravi Gupta nhận định nhu cầu khẩn cấp về vaccine ở Ấn Độ đã ảnh hưởng đến các nước còn lại của thế giới.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, ông Ogwell cho biết CDC châu Phi và Chính phủ Ấn Độ hiện thảo luận để ít nhất vẫn có được một số loại vaccine như cam kết trước đây. Ngoài ra, Liên minh châu Phi (AU) cũng đã tiếp cận các nhà sản xuất vaccine khác như Johnson&Johnson.
Liên quan vấn đề trên, giới chức y tế Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - cảnh báo nước này có nguy cơ phải đối mặt với sự bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19 do tỷ lệ người dân được tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Theo một quan chức y tế bang Lagos, trung tâm kinh tế của Nigeria và là tâm dịch COVID-19 ở nước này, khoảng 260.000 người ở bang này đã được tiêm vaccine phòng bệnh, tuy nhiên số này mới chỉ chiếm 1% dân số của cả bang.
Từ ngày 5-3 vừa qua, Nigeria đã bắt đầu thực hiện chương trình tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 với lô vaccine đầu tiên gồm 3,94 triệu mũi vaccine AstraZeneca thông qua chương trình COVAX, tuy nhiên đến ngày 4-5, Nigeria mới chỉ nhận khoảng 1,2 triệu liều vaccine này. Để đạt miễn dịch cộng đồng, Nigeria đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm nay và 70% dân số vào năm 2022.
Theo Báo Tin Tức