Các nước Đông Nam Á hợp tác chống ô nhiễm khói mù

09/06/2023 - 09:15

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, cuộc họp lần thứ 24 của Ban chỉ đạo cấp bộ trưởng Tiểu vùng Mekong về phòng chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (MSC 24) đã được tổ chức vào ngày 8/6 tại Singapore.

Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại Chiang Mai, Thái Lan, ngày 10/3/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cuộc họp quy tụ các bộ trưởng và quan chức của Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Trước đó, cuộc họp lần thứ 24 của Nhóm công tác kỹ thuật về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (TWG 24) cũng đã được tổ chức.

Theo báo cáo của Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC), trong 5 tháng đầu năm nay, số lượng các điểm nóng được phát hiện tại khu vực phía Nam ASEAN thấp hơn khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dựa trên các mô hình khí hậu hiện tại, ASMC dự báo có 70-80% khả năng El Niño sẽ kéo dài từ tháng 6-9/2023 trong khi hiện tượng thời tiết Lưỡng cực Ấn Độ Dương sẽ phát triển trong tháng 6-7. Cả hai hiện tượng khí hậu này đều có thể dẫn đến việc lượng mưa thấp hơn mức bình thường tại nhiều nơi ở khu vực phía Nam ASEAN trong vài tháng tới. 

MSC 24 lưu ý mùa khô năm nay có thể kéo dài và nghiêm trọng hơn so với 3 năm trước; nguy cơ gia tăng hoạt động các điểm nóng và xuất hiện các đám khói mù xuyên biên giới sẽ cao nhất kể từ năm 2019. 

Trước tình hình đó, các nước MSC cam kết luôn cảnh giác, tăng cường các nỗ lực giám sát hỏa hoạn và ngăn ngừa khói mù để giảm thiểu sự xuất hiện của các đám khói mù xuyên biên giới trong thời kỳ khô hạn hơn.

Các nước MSC cũng tái khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ, như triển khai các nguồn lực kỹ thuật chữa cháy trong tình huống ứng phó khẩn cấp, cũng như tăng cường phối hợp để giảm thiểu cháy rừng và đất than bùn.

Cuộc họp đánh giá cao các sáng kiến và hành động của các nước MSC trong việc thực hiện rà soát chiến lược các chương trình và hoạt động của Ủy ban chỉ đạo cấp bộ trưởng tiểu vùng, bao gồm tăng cường quản lý và kiểm soát khói mù thông qua cảnh báo sớm/giám sát và phòng chống cháy nổ; xây dựng năng lực chữa cháy ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực; hợp tác song phương theo Hiệp định ASEAN về chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP); và nâng cao năng lực của các nước ASEAN trong Mạng lưới huấn luyện khói mù khu vực. 

Các nước tái khẳng định cam kết hướng tới việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả AATHP và mong muốn hoàn tất Lộ trình mới về hợp tác ASEAN hướng tới kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới giai đoạn 2023-2030 và Chiến lược mới quản lý đất than bùn của ASEAN (APMS) giai đoạn 2023-2030 để giải quyết toàn diện các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực. 

Các đại biểu cũng mong muốn hoàn tất Khung đầu tư quản lý đất đai bền vững và xóa bỏ khói mù ở Đông Nam Á để ưu tiên các hành động giảm khói mù và tạo điều kiện thu hút tài trợ cũng như khai thác tiềm năng phát triển các chương trình và dự án chung giữa các nước ASEAN và các bên liên quan khác.

Cuộc họp cũng nhấn mạnh cần hoàn tất Thỏa thuận thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (ACC THPC) tại Indonesia, cũng như tiếp tục hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực để tạo điều kiện phòng ngừa, giám sát, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó tốt hơn với các vụ cháy rừng và đất than bùn thông qua khuôn khổ hợp tác cấp địa phương, quốc gia và khu vực.

Theo HỮU CHIẾN (TTXVN)