Kiểm soát người xuất nhập cảnh trên bộ và trên biển rất khó khăn
Báo cáo với Bộ Y tế tại cuộc họp trực tuyến ngày 17-4, đại diện Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là địa phương được cho là căng thẳng nhất khi có cả tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Địa bàn này từ Tết Nguyên đán đến nay đã phát hiện nhiều ca nhập cảnh trái phép. Cuối tháng 3, Kiên Giang phát hiện 10 người ở nước ngoài nhập cảnh trái phép bằng đường biển vào Phú Quốc, sau đó di chuyển đi nhiều địa phương. Có 3/10 người này được phát hiện mắc Covid-19.
Các đối tượng xuất cảnh trái phép bị lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng An Thới - Phú Quốc phát hiện ngày 14-3-2021. (Ảnh: AN DI)
Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, nhiệm vụ quan trọng nhất giai đoạn hiện nay trong phòng, chống dịch là kiểm soát tốt tình hình xuất nhập cảnh, cả trái phép và hợp tác. Các tỉnh miền tây nói chung đã có nhiều quyết sách chỉ đạo quyết liệt các lực lượng, tổ chức chốt chặn tại các tuyến. Tuy nhiên, những địa bàn này gặp nhiều khó khăn trong chống dịch.
Kiên Giang có 56 km đường biên giới trên bộ và hơn 200 km bờ biển và 62.000 km2 mặt nước biển. Hàng ngày, có hàng nghìn tàu cá, tàu chở dầu, tàu mua bán hải sản, nhu yếu phẩm của nhân dân hoạt động, chưa kể tàu của nước ngoài hoạt động trên vùng biển tỉnh quản lý. Vì vậy, việc kiểm soát người xuất nhập cảnh trên bộ và trên biển rất khó khăn.
Để kiểm soát tình hình xuất nhập cảnh, Kiên Giang đã thành lập hơn 112 chốt kiểm soát trên bộ, 16 tổ cơ động kiểm soát, trên biển sử dụng chín tàu và hai xuồng cao tốc của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Tổng cộng có hơn một người gồm các lực lượng làm công tác kiểm soát, kể cả lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng, nhưng tình hình xuất nhập cảnh vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn sót lọt nhập cảnh trái phép trên bộ và biển.
Theo đại diện Sở Y tế Kiên Giang, thời gian vừa qua có hai đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài vào. Một là kiều bào Campuchia gốc Việt qua nước bạn làm ăn, sinh sống và chỉ về nước ăn Tết. Dịp vừa rồi, đối tượng này về nhiều, tỉnh đã tổ chức cách ly và trong số này không xuất hiện ca dương tính.
Đối tượng thứ hai là người Việt Nam lao động tự do ở nước bạn. Những người này hầu hết xuất cảnh trái phép và tập trung về nước sau sự kiện cộng đồng ngày 20-2, có cả đối tượng xuất cảnh trái phép và bị bạn trao trả về. Tỉnh đã tổ chức cách ly tập trung và cách ly điều trị.
Theo Sở Y tế Kiên Giang, khó khăn của tỉnh hiện nay là các khu cách ly tập trung theo phương án của địa phương trước đây không còn không phù hợp. Hiện nay, công tác phòng, chống dịch chủ yếu ngăn chặn nguồn lây từ Campuchia nên phải có phương án cách ly khác.
Bộ Y tế họp trực tuyến sáng 17-4.
Dịp Tết nguyên đán vừa rồi, Kiên Giang đã quyết định đầu tư xây dựng khu cách ly tập trung. Có khoảng 2.300 người cách ly tập trung chủ yếu ở Hà Tiên và không đưa sâu vào nội địa. Từ tháng 3-2020 đến nay, địa bàn này cách ly tập trung hơn sáu nghìn người. “Chỉ chưa được hai tháng (từ ngày 20-2 đến nay) đã có 1.262 người nhập cảnh về, trong đó có 36 ca dương tính, tám ca không rõ ràng, tỷ lệ nhiễm trong số người về khoảng 4%, đây là một tỷ lệ rất cao trong thời gian ngắn. Có những ngày 10 người nhập cảnh thì cả 10 người đều dương tính”, đại diện Sở Y tế cho biết.
Về cách ly điều trị, hiện Kiên Giang có 37 ca dương tính, đã điều trị khỏi cho 20 ca, còn lại 17 ca và chưa kể tám ca có kết quả nghi ngờ, vẫn phải điều trị theo hướng dẫn. Tỉnh này đang gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập cơ sở điều trị dã chiến. Do số lượng bệnh nhân đông, các Trung tâm Y tế còn phải phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, nên Kiên Giang đã có tờ trình gửi Bộ Y tế sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh thiết lập bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân.
Đại diện Sở Y tế cho biết, dự kiến bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên thu dung, điều trị bệnh nhân sẽ phải tồn tại từ 1-2 năm khi dịch Covid-19 tại một số nước Đông Nam Á ổn định. Mục tiêu của bệnh viện dã chiến là điều trị những bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp có triệu chứng lâm sàng đưa vào Trung tâm Y tế Hà Tiên.
Kiên Giang cũng đề xuất Bộ Y tế ưu tiên bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho các tỉnh biên giới Tây Nam bộ, trong đó có Kiên Giang, đồng thời đề xuất Bộ khẩn cấp cung ứng vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, máy móc thiết bị cho phòng, chống dịch tuyến đầu để nâng cao năng lực, tầm soát xét nghiệm. Bộ sớm tổng kết kinh nghiệm chống dịch tại Hải Dương và các địa phương khác thành một cẩm nang để các địa phương học tập và áp dụng phù hợp với từng địa phương.
Còn tại An Giang, ngày 15-4 vừa qua, An Giang xét nghiệm hai lao động tự do nhập cảnh trái phép đã được xét nghiệm dương tính. Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur đã khẳng định hai ca này dương tính, được công bố là ca bệnh 2.746 và 2.747.
Đây là lần đầu tiên, An Giang ghi nhận ca bệnh Covid-19. Tỉnh An Giang đã triển khai các biện pháp truy vết, cách ly cho đối tượng F1 là âm tính. Ngày 16-4, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, 12 trường hợp F1 của hai ca dương tính ghi nhận tại An Giang đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Hiện nay, An Giang đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2. An Giang mong mỏi sớm có vaccine phòng Covid-19 vì đường biên giới tại đây rất dài, luôn trong tình trạng nóng bỏng và đặc biệt mới đây đã xuất hiện hai ca dương tính đầu tiên tại tỉnh này.
Phải siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát đường biển, đặc biệt nhập cảnh qua đường biên
Chia sẻ về vấn đề thành lập bệnh viện dã chiến, ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Kiên Giang có thể tận dụng cơ sở y tế sẵn có thuận tiện nhất thành lập bệnh viện dã chiến để bảo đảm vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn.
Thêm nữa, Kiên Giang có thể tận dụng cơ sở dân sự như ký túc xá, trường học, cung thể thao… cải tạo thành bệnh viện dã chiến giao bệnh viện đa khoa tỉnh thiết lập. “Với Kiên Giang, nguy cơ dịch xâm nhập do nhập cảnh có thể nghiên cứu mô hình này. Tại TP Hồ Chí Minh cũng thiết lập bệnh viện dã chiến không nằm ở cơ sở y tế, vận hành tại Củ Chi từ đầu dịch cũng rất hiệu quả”, ông Khoa nói.
Nhận định về tình hình “nóng” tại các tỉnh Tây Nam và Tây Nam bộ, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Kiên Giang, An Giang phải siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát đường biển, đặc biệt nhập cảnh qua đường biên.
Đồng thời, những địa phương này phải đẩy mạnh tuyên truyền tới các gia đình có người đang học tập, sinh sống ở những nước có dịch, khi người thân trong gia đình có nhu cầu về nước thì phải nhập cảnh hợp pháp, không được nhập cảnh trái phép. Người dân chủ động thông báo cho cơ quan chức năng người về từ vùng dịch không khái báo. Đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép, Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xử lý nghiêm.
Về phân bổ vaccine đợt 2 cho các tỉnh, Bộ Y tế hiện đã phân bổ cho Kiên Giang 15.200 liều, đề nghị Kiên Giang sớm xây dựng kế hoạch triển khai kế hoạch tiêm an toàn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế liên tục có trao đổi, chia sẻ với các địa bàn biên giới phía Tây Nam. Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn công tác tăng cường chỉ đạo hơn nữa tại khu vực này. Bộ Y tế đề nghị các địa phương và lực lượng biên phòng tại các tỉnh biên giới Tây Nam giữ thật vững, thật chắc khu vực biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly, bảo đảm an toàn cho cộng đồng là vấn đề đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch thời gian tới đây.
Sáng 18-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Kiên Giang. |
Theo LÂM TRẦN (Báo Nhân Dân)