Chuyển mình số hóa, bứt phá từ gốc

01/07/2025 - 04:40

 - An Giang đang chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện. Những thay đổi từ cơ sở đến chính quyền cho thấy kỳ vọng xây dựng một tỉnh công nghệ cao, chính quyền số hiện đại tại Tây Nam bộ với người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Hạ tầng số vươn xa

Giữa trưa, cửa hàng bánh kẹo Lan Thủy trên đường Hùng Vương, phường Rạch Giá vẫn tấp nập khách ra vào. Bà Lê Thị Lang, 72 tuổi, chủ cửa hàng, tay thoăn thoắt thao tác trên điện thoại để xuất hóa đơn điện tử. “Tôi lớn tuổi, ban đầu sợ không làm được. Nhưng học từ từ cũng quen. Giờ ai mua hàng tôi cũng làm hóa đơn luôn” - bà Lang chia sẻ.

Câu chuyện của bà Lang là minh chứng cho hành trình số hóa đời sống đang lan tỏa rộng khắp An Giang, từ doanh nghiệp lớn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Từ các thủ tục hành chính đến giao dịch buôn bán, nông nghiệp hay giáo dục, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ, mà hiện hữu mỗi ngày, mỗi nơi.

Với lợi thế tích lũy từ 2 địa phương cũ, An Giang đang sở hữu nền tảng chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện. Hiện, 100% trung tâm xã, phường có Internet cáp quang tốc độ cao. 100% ấp, khu phố phủ sóng Internet di động băng rộng. 100% cơ quan Nhà nước có mạng nội bộ (LAN) và kết nối mạng chuyên dùng. 100% khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện có kết nối Internet. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn tất số hóa sổ hộ tịch, tất cả văn bản hành chính được xử lý trên môi trường điện tử, tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn đạt 98,6%.

Theo Sở KHCN An Giang, thời gian qua, tỉnh chú trọng cải cách hành chính dựa trên công nghệ số, đảm bảo người dân, doanh nghiệp được phục vụ nhanh chóng, minh bạch. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tỉnh đã chủ động đưa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số  quốc gia vào hiện thực. Đáng chú ý, các cơ quan Nhà nước của tỉnh An Giang đã mở dữ liệu trên cổng dữ liệu https://opendata.angiang.gov.vn/, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khai thác phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.

UBND tỉnh An Giang ký kết hợp tác với Tổng Công ty Công Nghệ - Viễn thông Toàn cầu (GTEL) thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: HẠNH CHÂU

Trong nông nghiệp - lĩnh vực trụ cột của An Giang, chuyển đổi số đã lan tỏa đến từng ruộng lúa, ao nuôi tôm. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ IoT, dữ liệu vệ tinh trong giám sát canh tác, kiểm soát môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngành y tế triển khai hệ thống quản lý dữ liệu thông minh angiang.gmedical.vn, kết nối bệnh án điện tử liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Người dân vùng sâu, vùng xa giờ đây có thể khám, điều trị hiệu quả nhờ hồ sơ bệnh án điện tử được cập nhật đầy đủ. Trong giáo dục, nền tảng “SmartAnGiang” được ví như mô hình “bình dân học vụ số” thời hiện đại giúp mọi người tiếp cận học tập suốt đời, không phân biệt độ tuổi hay trình độ.

Lấy người dân làm trung tâm

Hiện, An Giang có hàng chục dự án, đề tài khoa học cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2025. Đa phần các dự án, đề tài này tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào cuộc sống của người dân: Góp phần giảm ô nhiễm môi trường; các mô hình tận dụng phế phẩm thành sản phẩm có giá trị cao; bảo tồn các nguồn gen quý, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị ở địa phương. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là cho đối tượng học sinh, sinh viên đã khơi gợi, phát huy tốt tinh thần sáng tạo, đổi mới.

Sở KHCN An Giang nhận định sau khi hợp nhất tỉnh, An Giang sẽ có thêm không gian phát triển mới. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong việc điều phối, kết nối và đồng bộ hạ tầng số, nền tảng dữ liệu, nguồn lực KHCN. Sắp tới, An Giang tổ chức hội thảo về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Song song đó, tỉnh triển khai phong trào “bình dân học vụ số” sâu rộng hơn trong cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục số hóa toàn bộ quy trình vận hành chính quyền các cấp. “Chúng tôi đang từng bước chuyển đổi số từ hạ tầng sang chuyển đổi số trong tư duy, tổ chức và hành động” - lãnh đạo Sở KHCN An Giang nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng: “Các cơ quan, đơn vị phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Trên tinh thần tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, triển khai mô hình “chính quyền không giấy tờ” và đảm bảo 100% cán bộ, công chức sử dụng chữ ký số chuyên dùng, xử lý công việc toàn trình trên môi trường mạng”.

KIỀU DIỄM - HẠNH CHÂU