Bên cạnh giải quyết căn cơ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Mở rộng quyền lợi và niềm tin
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2024 cả nước có khoảng 95,5 triệu người, tương đương khoảng 94,2% số dân tham gia BHYT và mục tiêu đến năm 2030 đạt trên 95% số dân tham gia BHYT. Để đưa chính sách BHYT nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cơ quan liên quan luôn nghiên cứu, mở rộng phạm vi và mức hưởng cho người dân khi khám chữa bệnh. Sau 15 năm thực hiện Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập và không đồng bộ với các luật mới ban hành, cho nên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật mới được đánh giá thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này có tám điểm mới nổi bật: Sửa đổi, cập nhật bổ sung thêm một số đối tượng tham gia BHYT. Luật mới điều chỉnh quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Luật quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản; quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh BHYT về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Luật mới cũng bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và biện pháp xử lý đối với các trường hợp này; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT; ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ y tế thuộc phạm vi chi trả của BHYT để bảo đảm tính quy phạm, minh bạch, công khai. Bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử... Với những chính sách BHYT mới, dự báo tổng lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2025 có thể vượt 195 triệu lượt người, trong đó tỷ lệ khám chữa bệnh trái tuyến tăng khoảng 10 đến 15%.
Chính sách đúng, trúng, nhưng vẫn còn thách thức
Việc mở rộng quyền lợi BHYT là bước tiến đáng ghi nhận, nhưng cũng đặt ra những thách thức cho hệ thống y tế, nhất là những bệnh viện tuyến cuối trong việc quản lý, chi trả và cả chất lượng khám chữa bệnh. Dự báo sau ngày 1/7/2025 chi phí có thể tăng thêm từ 5.000 đến 8.000 tỷ đồng do số lượng người bệnh chọn điều trị trái tuyến tăng mạnh.
Song song với triển khai hàng loạt các chính sách BHYT, trước đó các bệnh viện như: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Phụ sản Trung ương, bệnh viện E… đã có sự thay đổi nhằm đáp ứng những quy định mới của chính sách BHYT. Các bệnh viện đã, đang tập trung thay đổi quy trình, nâng cấp phần mềm nội bộ, bổ sung thêm máy quét thẻ, thiết bị hỗ trợ thông minh giúp đăng ký tiếp nhận thông tin bệnh nhân nhanh, rút ngắn thời gian làm thủ tục. Đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên về quy trình, chính sách BHYT, bảo đảm dịch vụ thân thiện, minh bạch, nhanh chóng; hướng dẫn sử dụng thẻ BHYT điện tử hoặc căn cước công dân gắn chíp, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian thủ tục nhập viện...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam đang tiến tới bao phủ BHYT 100% dân số vào năm 2030. Chính sách chi trả 100% khi điều trị nội trú trái tuyến không chỉ khuyến khích người dân tham gia BHYT, mà còn là cam kết mạnh mẽ về bảo đảm công bằng trong tiếp cận y tế.
Tuy nhiên, để chính sách thật sự phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, cùng sự chủ động từ người dân. Với những điểm mới được áp dụng, BHYT sẽ thật sự có giá trị, mang lại niềm tin cho người dân vào một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, bền vững.