Các xu hướng công nghệ cải thiện tương lai của thế giới năm 2020

23/12/2019 - 18:07

Mạng di động và điện toán lượng tử tăng tốc, màn hình dẻo, hiện thực hóa chương trình bay vào vũ trụ là những dự báo xu hướng công nghệ cải thiện tương lai của thế giới trong năm 2020.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Nếu tham vọng của bạn là bay vào vũ trụ và bạn đang rủng rỉnh tiền thì năm 2020 có thể là một năm thú vị.

Nếu bạn muốn có một màn hình điện thoại di động lớn hơn nhiều chiếc điện thoại cỡ lớn nhất hiện hành, thì năm 2020 cũng có thể có một số công nghệ đáp ứng yêu cầu đó của bạn.

Còn nếu bạn cho rằng bay vào vũ trụ là điều viển vông và điện thoại vốn đã có quá nhiều sự lựa chọn, do đó ngành phát triển công nghệ cần hạn chế lãng phí hơn, thì một số công ty công nghệ có thể bắt kịp suy nghĩ của bạn.

Dưới đây là những dự báo về các xu hướng công nghệ trong năm 2020 tới:

1. Nhiệm vụ của các phi hành gia

Theo chuyên gia cấp cao Guy Norris thuộc "Aviation Week & Space Technology" (tạm dịch: Tuần san Hàng không và công nghệ vũ trụ), năm 2020 sẽ trở thành "năm bản lề" trong lĩnh vực du hành vũ trụ.

Kể từ khi Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) kết thúc chương trình tàu con thoi vào năm 2011, Washington đã phải "nhờ" tàu vũ trụ Nga để đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi vào năm 2020. Nếu mọi kế hoạch diễn ra suôn sẻ, Mỹ sẽ "tự" đưa phi hành đoàn của mình lên không gian với hai tàu vũ trụ do chính nước này chế tạo.

Tàu vũ trụ CST-100 của Boeing - có thể đưa 7 phi hành gia lên quỹ đạo - dự kiến sẽ có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong tháng 12/2019 trước khi tiến hành chuyến bay có người lái đầu tiên (nhiều khả năng) vào năm 2020.

Trong khi đó, tàu vũ trụ SpaceX Dragon sẽ trải qua một số thử nghiệm cuối cùng vào đầu năm 2020 để hướng tới mục tiêu tương tự.

Các dự án vũ trụ tiếp cận không gian gần Trái Đất khác cũng có thể đạt được các mốc quan trọng vào năm 2020.

Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng đang thử nghiệm tên lửa New Shepard, dự kiến có thể sẵn sàng đưa khách du lịch lên không gian trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong khi đó, tàu vũ trụ VSS Unity của công ty vũ trụ Virgin Galactic cũng đã sẵn sàng đưa hành khách lên vũ trụ vào năm 2020 - muộn hơn 10 năm so với kỳ vọng của nhà sáng lập Richard Branson.

Số liệu thống kê cho thấy hơn 600 người đã đặt chỗ trước cho các chuyến bay của Virgin Galactic, mỗi giá có giá 250.000 USD.

Chuyên gia Norris nhấn mạnh: "Cuối cùng cũng đến lúc hiện thực hóa rất nhiều chương trình vũ trụ đã ấp ủ lâu này và là cơ hội cho một loạt các công nghệ lần đầu tiên chứng tỏ tiềm năng thực sự của mình."

2. Công nghệ và môi trường

Vấn đề biến đổi khí hậu đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều công ty công nghệ. Trong số đó, những người phải chịu áp lực lớn nhất có lẽ là các nhà sản xuất điện thoại di động.

Số liệu thống kê cho thấy thế giới hiện có tới 18 tỷ chiếc điện thoại "chỉ để trưng cho đẹp." Trong năm 2019, có khoảng 1,3 tỷ chiếc điện thoại đã được bán ra thị trường, mặc dù vậy, con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Các nhà sản xuất điện thoại di động đang đứng trước áp lực cải tổ quy trình sản xuất sao cho "xanh" hơn và điện thoại của họ dễ dàng sửa chữa hơn. Và đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với các nhà sản xuất thiết bị điện gia dụng như TV, máy giặt, máy hút bụi...

Hầu hết các nhà sản xuất đều cam kết sẽ phát triển công nghệ dựa trên các nguồn năng lượng bền vững. Chuyên gia phân tích Ben Wood thuộc CCS Insight cho rằng "không thể chấp nhận được" nếu phải bay vòng quanh thế giới để tới dự các cuộc họp, và theo đó các công ty sẽ chuyển sang hình thức họp trực tuyến.

Ngoài ra, cũng có thể có những sáng kiến xanh từ ngành công nghiệp điện toán đám mây.

3. Thời của màn hình dẻo

Samsung đã ra mắt chiếc điện thoại thông minh màn hình gập đầu tiên của hãng này hồi tháng Tư vừa qua, tuy nhiên sự kiện này đã diễn ra không thực sự suôn sẻ khi màn hình của thế hệ điện thoại này quá dễ vỡ.

Samsung phải thực hiện một số cải tiến nhanh chóng trước khi dòng điện thoại này được tung ra thị trường vào tháng 9/2019.

Hãng Motorola thì thành công hơn với điện thoại Razr, mặc dù một số nhà phê bình phàn nàn về giá thành của sản phẩm này.

Tuy nhiên, những công nghệ này chưa thể thỏa mãn thị hiếu thường xuyên thay đổi của người tiêu dùng. Samsung dự kiến sẽ ra mắt các thiết bị khác có màn hình linh hoạt vào năm tới - có thể là máy tính bảng.

Hãng TCL của Trung Quốc cũng đang "đặt cược" với thiết bị di động có màn hình gập đầu tiên vào năm 2020 và tiếp đó có thể các sản phẩm khác với công nghệ tương tự.

TCL hiện đã đầu tư 5,5 tỷ USD vào việc phát triển màn hình linh hoạt. Các nhà phân tích cho biết màn hình loại này có thể tích hợp vào tất cả các loại bề mặt.

Loa thông minh có thể có màn hình hiển thị bao quanh, các thiết bị giống như đồng hồ sẽ có dây đeo tích hợp màn hình và cửa tủ lạnh cũng như vậy.

4. Mạng di động và điện toán lượng tử tăng tốc

Chúng ta có thể hy vọng việc triển khai mạng điện thoại di động tốc độ cao sẽ được tiếp tục trong năm 2020.

Theo chuyên gia Kester Mann thuộc CCS Insight, ở thời điểm cuối năm 2019, khoảng 40 mạng ở 22 quốc gia đã cung cấp dịch vụ 5G.

Đến cuối năm 2020, con số đó sẽ tăng hơn gấp đôi với khoảng 125 nhà khai thác.

Năm 2020 cũng sẽ là một năm của điện toán lượng tử. Vào tháng 10-2019, Google cho biết máy tính lượng tử của họ đã thực hiện một nhiệm vụ trong 200 giây, mà thông thường rằng siêu máy tính nhanh nhất sẽ phải mất 10.000 năm để hoàn thành.

Ông Philipp Gerbert - một thành viên của nhóm công nghệ chuyên sâu thuộc công ty tư vấn BCG nhận định: "Đó là một cột mốc tuyệt vời. Rõ ràng máy tính lượng tử đã vượt qua máy tính cổ điển, bác bỏ một số nghi ngờ dai dẳng lâu nay."

Ông Gerbert tin rằng một số "ông lớn" khác trong lĩnh vực này như IBM, Rigetti và IonQ cũng có thể xóa tan rào cản ngờ vực ấy: "Tất cả các công ty này đều có những đội ngũ xuất sắc, một hoặc hai công ty sẽ đạt đến một giai đoạn tương tự trong năm tới."

Một khi công nghệ được chứng minh, máy tính lượng tử có thể tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực hóa học, dược phẩm và kỹ thuật.

Theo THANH PHƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)