Cách trị mụn dễ dàng tùy thuộc vị trí trên cơ thể

23/07/2022 - 08:30

Mụn ở mặt có thể do kích ứng, dùng điện thoại nhiều còn mụn ở lưng do mặc quần áo bẩn, chật.

Mụn có thể là dấu hiệu một số bất ổn sức khỏe. Nhưng hầu hết các trường hợp do những thói quen có thể thay đổi ngay lập tức. Việc cần làm là tìm ra nguyên nhân gây mụn và cách ngăn chặn chúng mọc thêm. 

Quanh miệng 

Mụn quanh miệng có thể do kích ứng hoặc tiếp xúc nhiều với điện thoại di động

Mụn nổi lên xung quanh miệng nếu da ở khu vực này bị kích ứng hoặc thường xuyên bị chạm vào, chẳng hạn như điện thoại di động, quai mũ bảo hiểm hoặc nhạc cụ. Mỹ phẩm, nội tiết tố và di truyền cũng nằm trong yếu tố nguy cơ. 

Nếu mụn xuất hiện thường xuyên, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Nhưng trong mọi trường hợp, tốt hơn, bạn nên phòng ngừa trước. 

Hãy làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ hai lần một ngày. Sử dụng sản phẩm trang điểm có đặc tính “không gây mụn” (không gây bít lỗ chân lông) và không chứa dầu, hạn chế chạm vào da mặt.

Trên mũi 

Mũi là một trong những khu vực trên khuôn mặt hay có mụn trứng cá. Đó là vì lỗ chân lông trên mũi thường lớn hơn, khiến bụi bẩn và vi khuẩn gây tắc nghẽn. Hơn nữa, da ở đây cũng tiết nhiều dầu hơn do đó, dễ bị mụn.

Theo Brightside, mụn ở mũi có thể phát sinh do chế độ ăn uống, căng thẳng và một số loại thuốc. Đôi khi đó là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất do vệ sinh kém. 

Trán

Lý do mụn mọc nhiều ở trán là sự gia tăng sản xuất dầu trên da. Một số loại thuốc nhất định, hormone, áp lực căng thẳng, thậm chí cả tóc cũng gây ra mụn trứng cá trên trán.

Nếu bạn không gội đầu thường xuyên hoặc tóc nhiều dầu, dầu sẽ bám trên trán và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Các loại gel và sáp cũng là nguyên nhân vì thường chứa bơ ca cao hoặc dầu dừa khiến da thêm nhờn. 

Sữa rửa mặt nhẹ nhàng có thể giải quyết vấn đề này. Nếu không hiệu quả, hãy cố gắng tránh các sản phẩm khiến tóc tăng độ dầu và gội đầu thường xuyên hơn.

Sử dụng loại sữa rửa mặt dịu nhẹ có thể giảm bớt mụn. Ảnh minh họa: BP Guide

Cằm và cổ 

Mức độ hormone thay đổi có thể dẫn đến tăng nội tiết tố androgen - yếu tố góp phần gây ra mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành. Một số khu vực là nơi thể hiện tác động này bao gồm cằm và cổ. 

Tình trạng mụn được đánh giá là bình thường nếu xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Mụn ở cằm và cổ cũng có khả năng do dùng thuốc ngừa thai. Trong đa số các trường hợp, sữa rửa mặt dịu nhẹ, kem dưỡng ẩm và điều trị mụn trứng cá có thể giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, bạn cũng cần sử dụng kem chống nắng đúng cách.

Mụn ở má là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt khi tất cả chúng ta đều có điện thoại di động. Điện thoại rất dễ lây lan vi khuẩn, cũng như vỏ gối, ga trải giường bẩn và các vật dụng khác tiếp xúc với da.

Mụn ở má có thể do nội tiết tố nhưng nhiều khả năng do một số thói quen. Vì vậy, bạn có thể giải quyết bằng một vài thay đổi đơn giản như lau sạch điện thoại trước mỗi lần sử dụng và không mang điện thoại đến bất kỳ nơi nào có mầm bệnh như phòng tắm. Thay vỏ gối và ga trải giường hằng tuần cũng là một ý kiến hay, giống như rửa tay thường xuyên.

Lưng

Mụn trứng cá ở lưng có thể chỉ là dị ứng với kem chống nắng, kem dưỡng ẩm. Mồ hôi trộn với dầu và độc tố trên da cũng có khả năng làm tắc nghẽn các lỗ chân lông. 

Quần áo, chăn, gối bẩn có thể là nguyên nhân gây ra mụn ở lưng. Quần áo quá chật không cho làn da của bạn thở, gây kích ứng, nổi mụn ở lưng. Ngoài ra, bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống có cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hay không. 

Theo AN YÊN (Vietnamnet)