Cách tự kiểm tra căn bệnh khoảng 1/4 dân số mắc phải

14/09/2023 - 14:15

Trong một đợt khám sức khoẻ cho 20.000 người cao tuổi ở TP.HCM, ngành y tế phát hiện hơn 50% bị cao huyết áp. Đây cũng là căn bệnh khoảng 20-25% dân số Việt Nam và thế giới mắc phải.

Vừa qua, TP.HCM đã tổ chức khám sàng lọc và tầm soát bệnh mạn tính không lây cho 20.000 người cao tuổi.

Kết quả cho thấy các bệnh lý phân bố cao nhất ở đối tượng này là tăng huyết áp (chiếm 52,27%), kế tiếp là đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Trong số bệnh nhân tăng huyết áp, có hơn 1.000 trường hợp vừa được phát hiện trong quá trình khám tầm soát.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam bị tăng huyết áp (một trong hai trị số: huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên). Như vậy, cứ 4-5 người lại có 1 người bị tăng huyết áp.

Chẩn đoán tăng huyết áp không khó. Người dân có thể chủ động phát hiện bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc trạm y tế. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát.

Nhiều người đo huyết áp sai cách khiến kết quả không chính xác. Ảnh: GL.

Bác sĩ Hoà nhiều lần nhấn mạnh, để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, mỗi người nên nhớ đến việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Người đã được chẩn đoán tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM), huyết áp là một chỉ số quan trọng cho sức khỏe và cần được đo định kỳ. Để có kết quả chính xác nhất, người dân cần đo huyết áp đúng cách.

Theo đó, những lưu ý khi đo huyết áp cần nhớ bao gồm:

- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.

- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước khi đo 2 giờ. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.

- Tư thế: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim, chân chạm sàn, không gác hai chân lên nhau. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

- Quấn băng quấn đủ chặt trên cánh tay, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.

- Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.

Bác sĩ cũng lưu ý ở lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.   

Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.

Theo Vietnamnet