Campuchia dỡ bỏ các 'Khu vực Đỏ' tại thủ đô Phnom Penh

20/05/2021 - 15:10

Từ ngày 20-5, thủ đô Phnom Penh của Campuchia không còn các 'Khu vực Đỏ' mà sẽ chỉ phong tỏa một số ngôi nhà hoặc tòa chung cư riêng biệt có bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

 

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 9-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Campuchia, rào chắn ở một số “Khu vực Đỏ” trước đây đã được dỡ bỏ trên khắp thành phố sau gần một tháng ban bố lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19. Đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng đã chính thức thông báo dỡ bỏ các “Khu vực Đỏ” có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Tuy nhiên, thông báo của Đô trưởng Khuong Sreng nêu rõ: “Chủ của các ngôi nhà (còn bị phong tỏa) phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp chặt chẽ phòng tránh lây lan dịch bệnh sang người khác”. Ông cũng cho biết chính quyền địa phương các cấp trong thành phố sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ lương thực và chăm sóc y tế cho những người dân sinh sống trong các tòa nhà còn bị phong tỏa.

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Campuchia nhận định số ca lây nhiễm mới hằng ngày đã giảm trên cả nước, nhưng lại xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh tại các tỉnh ngoài Phnom Penh.

Ngày 19-5, chính quyền tỉnh Kampong Cham ghi nhận tổng số ca nhiễm cho đến nay lên tới 255 người, với 100 trường hợp đã bình phục và 155 người tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Mekong của tỉnh. Khoảng 3.000 người tại tỉnh này đã được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kampong Cham, Tiến sỹ Kim Sou Phirun phát biểu với báo giới rằng phần lớn các ca dương tính là người đi về từ Phnom Penh.

Trước đó, ngày 18-5, tỉnh Prey Veng cũng ghi nhận 15 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và đa số đều là người từ Phnom Penh. Tương tự là tỉnh Takeo, với tổng số ca nhiễm lên tới 474 trường hợp.

Công bố ngày 19-5, báo cáo thường niên của công ty đánh giá tín dụng Moody’s Investors Service cho rằng Campuchia đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 và hy vọng quốc gia này sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế từ sau “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2”.

Báo cáo của Moody đánh giá Chính phủ Campuchia đã huy động nguồn lực tài chính đáng kể cho các biện pháp kích thích kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ cho các khu vực tín dụng cá nhân dễ bị tổn thương. Moody's lưu ý rằng Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã chỉ đạo cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng vi mô tái cơ cấu các khoản nợ vay ở những khu vực bị ảnh hưởng như du lịch, dệt may, xây dựng và giao thông vận tải.

Theo TRẦN LONG (TTXVN)