Cần có cơ chế riêng cho đào tạo nghệ thuật đặc thù

05/04/2021 - 08:41

Những ngày qua, vướng mắc liên quan 273 học viên nhập học hệ cao đẳng từ năm 2012 đến 2016 tại Học viện Múa Việt Nam không có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và trung cấp chuyên nghiệp đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ đây, vấn đề làm thế nào để không gây độ “vênh” giữa những quy định pháp luật về tuyển sinh, đào tạo với đòi hỏi thực tiễn của hoạt động nghề nghiệp trong khối ngành nghệ thuật lại được đặt ra.

Bảo đảm quyền lợi người học

Lý giải nguyên nhân dẫn đến vụ việc nêu trên, TS, NSƯT Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết: Do yêu cầu đào tạo của ngành nghệ thuật mang tính đặc thù, nhằm đáp ứng những tiêu chí khắt khe của nghề diễn viên múa, trường phải đào tạo học viên từ khi các em còn nhỏ. Học hết lớp 6, các em đã có thể được tuyển vào trường. Vì vậy, song song với kiến thức chuyên môn, các em được tiếp tục học chương trình văn hóa phổ thông. Ðó là lý do Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản của trường đã được thành lập với đội ngũ giáo viên cơ hữu để đảm đương nhiệm vụ đào tạo kiến thức văn hóa phổ thông cho học viên theo Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc nhóm ngành múa được ban hành theo Quyết định số 92/2004/QÐ-BVHTT ngày 1-10-2004 của Bộ trưởng Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ðây là chương trình khung được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa Bộ Văn hóa với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong đó thiết kế chương trình giáo dục phổ thông nằm trong chương trình giáo dục trung học chuyên nghiệp và được áp dụng tại các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp về văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Cùng với quyết định này, chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được trường thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QÐ-BGDÐT ngày 5-5-2006 của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT được trường thực hiện theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDÐT ngày 28-6-2010 của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo. Sau khi hoàn thành chương trình, người theo học được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, không cấp bằng THCS, THPT. Với bằng này, học viên có thể thi lên các bậc học cao hơn ở các trường thuộc nhóm văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, trường đã đào tạo theo đúng quy định của Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp nhóm ngành múa.

Các diễn viên múa phải được đào tạo liên tục trong nhiều năm mới có thể làm nghề. Ảnh: HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Năm 2012 - 2013, trường mở thêm hệ đào tạo bậc cao đẳng diễn viên, tuyển sinh các em từ 12 đến 13 tuổi với mong muốn học viên đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được nhận bằng cao đẳng diễn viên múa hệ chính quy.  Ðây là chương trình đào tạo đặc thù, tích hợp trình độ trung cấp (giai đoạn một) và cao đẳng (giai đoạn hai). Sau khi trúng tuyển, học hết giai đoạn một, học viên sẽ thi chuyển giai đoạn và học lên giai đoạn hai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, trường đã không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào từ trình độ trung cấp, không đăng ký phôi bằng trung cấp cho các khóa đào tạo tích hợp trình độ trung cấp - cao đẳng nêu trên với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cho nên học viên các khóa này không được nhận bằng trung cấp khi học hết giai đoạn một. Vì thế, 273 học viên đã hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Trong khi đó, một số trường đào tạo đại học thuộc khối ngành nghệ thuật lại yêu cầu phải đưa ra được bằng trung cấp chuyên nghiệp theo quy định chứ không phải bằng cao đẳng nếu muốn vào học, mặc dù bằng cao đẳng là cao hơn. Ðiều này gây bức xúc cho học viên và phụ huynh.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, từ đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho những học sinh, sinh viên đã hoàn thành đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QÐ-BVHTT; đồng thời đồng ý để Học viện cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDÐT. Theo Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải, với giấy chứng nhận này, những học viên có nhu cầu có thể đăng ký học bổ sung các môn còn thiếu và tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Như vậy, vụ việc đã được giải quyết theo hướng “có hậu” trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho người học. Ông Hải cũng cho biết, để giải quyết nhu cầu về bằng đối với các học viên nhập học từ sau năm 2016, nhà trường tiếp tục đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp làm việc, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện để trường có phương án cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp và giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT đối với các học viên đủ điều kiện, vì từ năm 2017, việc cấp trả bằng cho học viên trong trường thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cần xét tới tính đặc thù

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT như trước mà chỉ được giảng dạy chương trình bốn môn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, chỉ liên thông được từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học được. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức giảng dạy cho người học có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên để thi tốt nghiệp THPT. Học viện Múa Việt Nam cũng đang tính phương án từ các năm học tới sẽ liên kết với đơn vị giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho những học sinh có nhu cầu được cấp bằng phổ thông trong quá trình theo học chuyên môn. Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, hình thức này cũng mang đến nhiều điều đáng ngại. Học sinh theo ngành múa phải học từ khi còn nhỏ, tâm sinh lý các em chưa trưởng thành, lại phải thường xuyên di chuyển giữa trường và trung tâm để hoàn thành việc học nghề và học văn hóa song song sẽ vừa gây bất tiện cho quá trình quản lý, vừa khiến việc học tập, sinh hoạt của các em gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, số giáo viên cơ hữu, hệ thống hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư từ đầu để dạy học văn hóa trong trường sẽ bị dôi dư, khó giải quyết…

Với nhiều ngành nghệ thuật như múa, xiếc hay nhạc, đào tạo nghệ thuật chính là đào tạo tinh hoa, đòi hỏi người học phải có năng khiếu, được tuyển chọn và đào tạo từ khi còn nhỏ. Thông thường, hệ trung cấp kéo dài từ sáu đến chín năm, người học phải học thêm bốn năm nếu tiếp tục bậc đại học. Quá trình học tập, giảng dạy yêu cầu phải bảo đảm tính liên tục nhiều năm kết hợp sự sàng lọc, đào thải khắt khe. Do đó, nếu đánh đồng việc đào tạo năng khiếu nghệ thuật (cần khoảng 10 năm) tương đương với đào tạo nghề (chỉ cần sáu tháng tới ba năm) là điều bất hợp lý. Nhiều năm gần đây, không ít người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật đã phải lên tiếng về những bất cập khi áp dụng những quy định cứng trong đào tạo nghề thông thường đối với đào tạo nghệ thuật đặc thù. Chẳng hạn, quy định về thời gian đào tạo nghề, về độ tuổi học nghề, yêu cầu phải có bằng THCS mới được học trung cấp, phải có bằng THPT mới được học cao đẳng… đều là chưa hợp lý. Cơ sở đào tạo nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một lúc chịu sự quản lý nhà nước của cả Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng dẫn đến những chồng chéo, thiếu nhất quán trong chính sách và các quy định về quy trình, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…

Vừa qua, nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật bậc đại học đã phải “kêu cứu” khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nữa, trong khi muốn đào tạo tài năng nghệ thuật, thì buộc phải đào tạo từ sơ cấp qua trung cấp rồi mới tiến tới cao đẳng, đại học. Từ năm 2020, Học viện Múa Việt Nam đã dừng tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng. Với những trường đã có truyền thống đào tạo các tài năng nghệ thuật, bị đứt khâu đào tạo trung cấp sẽ kéo theo cả một lỗ hổng lớn về đào tạo nhân lực, gây xáo trộn, làm gián đoạn nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được Chính phủ giao cho các trường theo đề án “Ðào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030” theo Quyết định số 1341/QÐ-TTg ngày 8-7-2016. Theo đề án này, các cơ sở có uy tín và năng lực được lựa chọn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo tài năng các lĩnh vực âm nhạc, múa, sân khấu ở các trình độ trung cấp và đại học. Hiện, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Múa Việt Nam, Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh là các cơ sở đào tạo được lựa chọn và chịu trách nhiệm chính trong triển khai thực hiện đề án.

Ðòi hỏi đặt ra là các bộ, ban, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế đặc biệt để áp dụng đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật, sao cho vừa bảo đảm quy định, chất lượng đào tạo, vừa phù hợp những đòi hỏi từ thực tiễn đào tạo. Nếu không tính tới yếu tố đặc thù mà cứ áp dụng một cách cứng nhắc như các ngành nghề đào tạo kỹ thuật, sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất nguồn nhân lực chất lượng cao, không đáp ứng được nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành về đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong báo cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, cho phép các cơ sở đào tạo đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp mang tính đặc thù kết hợp như đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa đối với lĩnh vực nghệ thuật…; đồng thời, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian tới tổ chức tổng kết, đánh giá công tác đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, xác định những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân làm căn cứ xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành văn bản pháp quy quy định về đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù phù hợp thực tiễn. Ðây là động thái đang mở ra nhiều hy vọng cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật đặc thù, giúp tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng linh hoạt, đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn đào tạo tài năng nghệ thuật.

Theo TRANG ANH (Báo Nhân Dân)