Cần coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế

21/10/2019 - 08:47

Để tạo sự đột phá, các chuyên gia cho rằng, cần chú ý tới yếu tố gây bất định tới nền kinh tế gắn với coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao những kết quả đạt được của nền kinh tế vĩ mô 9 tháng qua, trong đó, nhấn mạnh điểm sáng về xuất khẩu và cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, đã có sự chuyển dịch tích cực của dòng vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Song, từ số liệu thống kê cụ thể của một số ngành nghề chủ lực, các chuyên gia cho rằng, cần chú ý tới các yếu tố gây bất định tới nền kinh tế gắn với coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế.

PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dẫn chứng số liệu tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng qua 9 tháng của năm có sự gia tăng mạnh mẽ trở lại của ngành công nghiệp khai khoáng, trong khi đó lại có sự chững lại và sụt giảm của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (một số lĩnh vực vốn có tăng trưởng cao như dệt may, da giày…) so với cùng kỳ năm ngoái. TS. Phạm Thế Anh cho rằng, tăng trưởng của một số ngành nghề, lĩnh vực sẽ có phần chậm lại, thậm chí là suy giảm trong thời gian tới, nhất là khi chỉ số tồn kho của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng qua cũng khá cao.

“Năm ngoái tồn kho chỉ tăng khoảng 8% thôi nhưng năm nay tăng lên tới hơn 17%. Nếu tồn kho cao như thế thì có nghĩa sản xuất trong thời gian tới sẽ phải ít đi, không thể tăng sản xuất khi mà tồn kho của anh cao được”, TS. Phạm Thế Anh nói”.

Cần coi trọng tới chất lượng tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, chất lượng kinh tế có phần suy giảm khi nhìn vào chỉ số quản trị nhà mua hàng (chỉ số PMI). Chỉ số này đã suy giảm trong quý III và kết thúc tại 50,5 điểm vào cuối tháng 9, là mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Chỉ số này cho thấy, số lượng đơn hàng mới tăng cho các doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất trong 3 năm qua và doanh thu bán hàng ở nước ngoài cũng giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu thị trường.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV nhấn mạnh, nếu như ngành khai khoáng 9 tháng năm 2018 giảm 2,7% thì năm nay tăng đã 2,68% và đóng góp 0,22 điểm % cho tăng trưởng. Cùng với đó, cũng cần tính toán cụ thể về nguyên nhân dẫn đến sự chậm lại và có phần sụt giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Ông Lực dẫn chứng, ngay cả từ lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại của Sam Sung cũng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ (Sam Sung có tăng sản lượng nhưng không tăng mạnh bằng 9 tháng của cùng kỳ năm ngoái, chỉ tăng ở mức khoảng 6%.

“Giả sử không có sự đóng góp của ngành khai khoáng, hoặc ngành khai khoáng mà lại giảm như năm ngoái thì sẽ giảm đi khoảng 0,4 điểm % tăng trưởng. Như thế thì mức tăng trưởng của chúng ta sẽ không được cao như là kỳ vọng… Vậy nên tôi nghĩ rằng, cần phải mổ xẻ kỹ hơn về mặt số liệu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vô cùng khó khăn, 9 tháng chỉ tăng có 2% trong khi đó năm ngoái tăng 3,7%. Nhưng năm nay nông nghiệp khó khăn hơn là do dịch bệnh như lợn tả châu Phi, thứ 2 là do thời tiết thay đổi khắc nghiệt hơn so với năm ngoái khiến cho việc trồng lúa cũng như nhiều nông sản của chúng ta vất vả hơn.

Năm nay xuất khẩu nông sản cực kỳ khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường EU gần như không tăng được, thậm chí còn giảm sang các thị trường này. Một phần là do họ làm chặt chẽ hơn – như thị trường Trung Quốc chẳng hạn, một phần là chúng ta chưa kịp,chưa đủ thời gian để điều chỉnh về mặt chất lượng sản phẩm, mẫu mã theo yêu cầu của các thị trường nước ngoài”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Rất nhiều câu hỏi cũng được PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra và cho rằng cần làm rõ để giúp tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong thời gian tới, cụ thể như vấn đề đầu tư công giảm, tăng trưởng tín dụng giảm, bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái trong khi độ mở của nền kinh tế cao thì điều gì đã tạo ra kỳ tích tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua?

“Lãi suất VNĐ đang cao trong khi lãi suất của các đồng tiền khác thì tăng trưởng rất thấp, điều này tôi cho rằng, cũng tạo nên sức ép rất lớn lên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi họ phải đi vay vốn với nguồn tài trợ rất cao, trong khi các doanh nghiệp FDI thì họ có cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn quốc tế khiến cho chi phí vốn của họ giảm thấp.

Vậy thì DNVVN sẽ chống cự như thế nào khi một mặt phải ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại, một mặt thì phải tranh thủ để tận dụng cơ hội như chúng ta vẫn kêu gọi họ - thì DNVN sẽ sống ra sao trong bối cảnh lãi suất cao như vậy? Điều này phải chăng nó cũng là một phần nguyên nhân của một trong những đóng góp lớn trong tăng trưởng GDP đến từ công nghiệp chế biến chế tạo nhưng tỷ trọng lớn nhất là đến từ mặt hàng linh kiện điện tử mà sản xuát lớn nhất là điện thoại di động đến từ khối FDI. Phải chăng họ có lợi thế tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ là một trong những động lực khiến khu vực này tăng trưởng mạnh?”, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo băn khoăn.

Còn TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, cần đặt ra, mổ xẻ và phân tích kỹ nguyên nhân nào đã dẫn đến tăng trưởng GDP 9 tháng đạt cao (tới 7%) trong khi lạm phát lại khá thấp (chỉ 2,5%). Ngoài công tác điều tiết giá cả, rồi lượng cung tiền từ bên trong nền kinh tế, còn phải kể đến những nguyên nhân khách quan từ bên ngoài, đó là sự ổn định của giá dầu thế giới (hầu như không tăng và Việt Nam là nước có nhập khẩu lớn nhưng giá các loại hàng hóa cơ bản 9 tháng qua cũng giảm nhẹ (giảm khoảng 1,7%).

Với nhận định mặt bằng giá cả các loại hàng hóa những tháng cuối năm tiếp tục ổn định, là điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, tuy nhiên, theo các chuyên gia cũng không thể chủ quan trong điều hành chính sách vĩ mô.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan; nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Nhật - Hàn Quốc sẽ có tác động đến chuỗi cung ứng cũng như giá trị đồng tiền. Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ bất định hơn do sẽ chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.

Theo NGUYÊN LONG (VOV)

 

Liên kết hữu ích