Theo ghi nhận của PV Báo CAND, giá thịt lợn trên thị trường tăng mạnh từ khoảng đầu tháng 10 đến nay. Tại các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn thị trường (BOTT), giá cao nhất là thịt ba rọi 122.000 đồng/kg, thịt nạc (dăm, vai, đùi) giá 114.000 đồng/kg, cốt lết 101.000 đồng/kg, sườn già 97.000 đồng/kg, chân giò 90.000 đồng/kg... Các mức giá này thấp hơn nhiều so với giá bán của các tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương chợ Phước Long (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, giá thịt lợn liên tục tăng. Nếu so với thời điểm tháng 10 thì hiện nay giá thịt lợn đã tăng lên khoảng 25-30%. “Chính vì giá cao như vậy nên sức mua giảm mạnh, nhiều người tiêu dùng (NTD) đã chuyển sang sử dụng các loại thịt gà, thịt vịt, thịt bò, thay cho thịt lợn”, chị Nga nói.
Dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp nên nhiều trang trại, hộ chăn nuôi không dám tái đàn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và giá cả thịt lợn tăng mạnh.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, giá lợn mảnh 76.000-80.000 đồng/kg (loại 1), 70.000 -73.000 đồng/kg (loại 2), cao 20% - 30% so với thời điểm đầu tháng 10. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, so với giá trong chương trình BOTT thì giá thịt lợn trên thị trường tăng 8,5%.
Trước tình hình giá thịt lợn tăng mạnh và mức chênh lệch khá cao giữa các DN trong chương trình BOTT và giá thị trường, các DN trong chương trình BOTT đã đề nghị tăng giá thịt lợn bình ổn vì không thể kìm giữ giá thêm nữa.
Ngày 9-10, Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) gửi công văn đến Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh tăng giá 25.000 đồng/kg đối với tất cả các mặt hàng thịt gia súc tham gia chương trình BOTT, do giá nguyên liệu lợn hơi hiện nay tăng 8,5% so với đầu chương trình BOTT (ngày 1-4-2019).
Về vấn đề này, Sở Tài chính cho rằng, tại cuộc họp trước đó do Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Chi cục chăn nuôi và Thú y, Cục Thuế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố và các DN trong chương trình BOTT 2019 thống nhất, trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5% trở lên, hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm làm cho giá bán của chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, DN thực hiện điều chỉnh giá bán BOTT với Sở Tài chính, nhưng giá bán BOTT vẫn có tính hợp lý, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Chính vì vậy, Sở Tài chính đề nghị các DN khẩn trương xây dựng lại cơ cấu giá thành tại thời điểm đầu chương trình năm 2019, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá và gửi về Sở Tài chính trong thời gian sớm nhất để đảm bảo việc điều chỉnh giá thực hiện theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn nhiều, giá có nguy cơ tăng. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở Công thương đã họp các đơn vị chủ lực phải đảm bảo lượng thịt lợn dự trữ, nếu có biến động thì sẽ nhập khẩu.
Cụ thể, Vissan dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày, và sẽ nhập khẩu thêm nếu có biến động lớn. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn sẽ cho xuất chuồng lợn dưới tuổi, loại từ 80 – 100 kg/con... để không xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn cung ứng cho người dân trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Ngoài phương án chuẩn bị của các DN BOTT, các DN chủ lực của TP, Sở Công Thương cũng có phương án dự phòng là dự trữ thêm thịt gà, nhập khẩu thịt bò để trong trường hợp người dân có nhu cầu chuyển sang sử dụng thì vẫn đảm bảo lượng cung ứng. Hiện Sở Công Thương thành phố đã có văn bản gửi các DN BOTT xây dựng kế hoạch dự trữ lượng thịt lợn phục vụ Tết Canh Tý 2020.
Với thịt lợn nhập khẩu, hiện tại có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, đến ngày 15-10 vừa qua, DN nhập khẩu thịt lợn qua cửa khẩu Hải quan thành phố với khối lượng 10.820 tấn (tăng 1,5 lần so năm ngoái).
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Barazil 5.685 tấn, Hoa Kỳ 1.109 tấn, Ba Lan 1.494 tấn, Bỉ 346 tấn... Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt lợn nhập khẩu thấp hơn giá lợn hơi trong nước.
Đồng thời, kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ, thị trường thịt lợn trong nước có sự liên thông với thị trường nước ngoài (từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt lợn từ quốc gia Nam Mỹ, nên lượng thịt lợn nhập từ Brazil vào Việt Nam tăng mạnh).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Đông cho biết, tâm lý phần lớn của NTD là ưa dùng thịt tươi, chưa có thói quen sử dụng thịt nhập khẩu cấp đông, nên thịt nhập về ít bán lẻ ra thị trường. Vì vậy, các đơn vị nhập khẩu thịt lợn chủ yếu dùng để chế biến các loại thực phẩm như giò, chả, xúc xích…
Nhiều DN cũng lo ngại, thị trường Trung Quốc đang thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng, giá lợn hơi tại đây tăng gấp đôi so với giá lợn hơi trong nước. Chính vì vậy, không chỉ do ảnh hưởng DTLCP mà đây cũng là lý do khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Được biết, trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương đánh giá tình hình cung - cầu thịt lợn, có giải pháp ổn định giá cả thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Theo THÚY HÀ (Công An Nhân Dân)