Cẩn thận khi ngâm rượu thuốc tại nhà

10/09/2021 - 06:06

 - Hiện nay, rất nhiều bài thuốc ngâm rượu dân gian sử dụng từ các loại cây, củ, trái, dược liệu đến động vật… được cho là có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, nên người dân theo xu hướng ngâm rượu thuốc tại nhà. Tuy nhiên, không ít phương pháp ngâm rượu thuốc chưa được kiểm chứng, có thể gây “tiền mất tật mang”, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Từ xa xưa, rượu thuốc ngâm dược liệu là một trong những phương pháp sử dụng trong y học cổ truyền, để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Rượu thuốc không phải là thực phẩm, nên khi sử dụng cần có sự tư vấn, chỉ định của thầy thuốc có chuyên môn. Rượu thuốc phải được kiểm chứng về quy trình bào chế, nguồn gốc dược liệu cũng như cách thức kết hợp và sử dụng đúng cách nhằm tránh gây hại cho sức khỏe, tính mạng của người dùng.

Hiện nay, trào lưu tự ngâm rượu thuốc để sử dụng tại nhà xuất hiện ngày càng phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Hầu hết ngâm rượu theo kinh nghiệm dân gian, hoặc phương pháp trên mạng xã hội, chứ ít người ngâm rượu theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Đặc biệt, rượu thuốc ngâm loại nguyên liệu càng hiếm, càng lạ, càng độc càng được nhiều người ưa chuộng. Từ gốc, rễ, thân, lá cây, cỏ, chuối, mít, ổi, mận, đòng đòng (bông lúa non), mật nhân, mật gấu, đến các loại rắn, bọ cạp, chuột con, bìm bịp… Bất kể loại nào, chỉ nghe nói có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe là nhiều người cho vào trong bình rượu để ngâm.

Đa dạng các loại rượu thuốc ngâm tại nhà được giới thiệu trên mạng xã hội

Anh Trần Văn H. (ngụ huyện Tịnh Biên) cho biết, anh được người quen hướng dẫn phương pháp ngâm rượu thuốc gồm các nguyên liệu, như: 1 thang thuốc bắc đầy đủ các vị, thêm nhân sâm, tắc kè, hải mã (cá ngựa) có công dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực. “Có dịp ghé thăm nhà người quen, được mời uống thử bình rượu thuốc ngâm. Thấy dễ uống, ngủ ngon, hôm sau khỏe khoắn trong người, nên tôi hỏi cách ngâm. Tôi tìm mua những nguyên liệu tốt nhất, ngâm vào bình rượu khoảng 10 lít, tính ra hơn 6 triệu đồng. Với giá tiền này, tôi có bình rượu thuốc giúp mình bồi bổ sức khỏe, thì cũng xứng đáng…” - anh H. chia sẻ.

Thời gian gần đây, rượu thuốc ngâm được bày bán khắp nơi, từ chợ truyền thống đến trang mạng xã hội. Mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài trăm triệu đồng, dựa vào độ quý hiếm của nguyên liệu ngâm, như: rắn hổ mang chúa, cá ngựa gai, tắc kè, nhung hươu, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, ba kích tím... cộng với loại rượu, thời gian cũng như thể tích của bình rượu thuốc ngâm thành phẩm. Tùy theo cách phối trộn nguyên liệu mà công dụng của rượu thuốc ngâm cũng đa dạng: bổ thận tráng dương, đẹp da, tốt cho sức khỏe, tăng cường sinh lực, ăn ngon, kích thích tiêu hóa, trị nhức mỏi, tăng huyết áp, xơ gan, đái tháo đường...

Ông Nguyễn Thiện Đ. (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Các nguyên liệu như con vật, thảo mộc, dược liệu được sắp xếp đẹp mắt trong bình rượu thuốc thủy tinh ngâm sẵn khiến nhiều người thích thú, mua về vừa uống, vừa trưng bày. Còn công hiệu chữa bệnh thì không biết như thế nào. Có người khen tốt, cũng có người chê “không thấy hiệu quả”, chưa thấy có hại đến sức khỏe…”.

Bán nguyên liệu ngâm rượu thuốc trên mạng xã hội

Nhiều người có suy nghĩ sử dụng thảo dược thường không gây hại, không có tác dụng phụ nên tùy tiện đem đi ngâm rượu thuốc, có bệnh thì trị bệnh, không bệnh thì bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, rượu thuốc cũng có thể gây hại cho sức khỏe, tùy vào nhiều yếu tố, như: nguyên liệu, cách thức xử lý nguyên liệu, phương pháp ngâm và mục đích sử dụng.

Điển hình như loại rượu thuốc ngâm hạt mã tiền, chỉ được dùng xoa bóp ngoài da để trị đau nhức xương khớp, phong thấp, bệnh ngoài da... tuyệt đối không được uống vì có độc tính cao, gây nguy hiểm tính mạng. Hay cà độc dược - cây thuộc họ cà có gai - nên dễ bị người dân nhầm lẫn với cây cà gai. Cà độc dược thường được đông y sử dụng làm thuốc trị hen, suyễn, nếu ngâm rượu uống sẽ bị ngộ độc.

Không được xử lý, điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao. Mặt khác, rượu thuốc có lợi với người này, nhưng sẽ có hại với người khác tùy theo độ tuổi, thể trạng và bệnh lý của từng người. Quan trọng nhất, rượu thuốc chỉ để điều trị một số bệnh nhất định, không phải trị bá bệnh.

Theo các lương y, rượu thuốc nghĩa là “thuốc để chữa bệnh ở dạng rượu”.Đã là thuốc thì phải sử dụng như thuốc, theo chỉ định và với liều lượng nhất định, không được uống nhiều như rượu thông thường. Đồng thời, cân nhắc kỹ những bài thuốc, phương pháp ngâm rượu thuốc chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội hoặc được truyền miệng trong dân gian. Không tự ý sử dụng hoặc kết hợp các loại dược liệu với nhau để ngâm rượu thuốc; không nên chạy theo thị hiếu, phong trào mua các loại rượu thuốc trôi nổi trên thị trường, vì những loại này rất có thể bào chế không đúng quy trình và không đảm bảo chất lượng.

Nếu muốn trị bệnh bằng rượu thuốc, cần phải được tư vấn từ bác sĩ, lương y, ngành chuyên môn, mỗi người uống loại rượu thuốc ngâm từ dược liệu nào, có phù hợp hay không. Dược liệu ngâm rượu thuốc cần mua ở nơi bán uy tín, cần ngâm đúng phương pháp, đúng thời gian, sử dụng đúng liều lượng… để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

TRỌNG TÍN