
Người dân cần cảnh giác những thông tin quảng cáo các App vay tiền trên Internet
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an An Giang), ứng dụng vay tiền trực tuyến thực chất là ứng dụng vay tiền tín chấp. Theo đó, người vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay chỉ dựa vào uy tín của người vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Tuy sử dụng ứng dụng (App) nhưng việc vay tiền rất thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu tài chính tức thời với cách thức cho vay nhanh gọn. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh (Smartphone).
Người có nhu cầu vay nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, như: tải App, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân, chứng minh nhân dân và phải đồng ý cho App truy cập danh bạ cá nhân… Sau khi đồng ý tất cả các điều khoản trên hợp đồng điện tử của App thì không bao lâu sau, tài khoản ngân hàng của người vay sẽ nhận được số tiền muốn vay.
Thế nhưng, bên cạnh các App cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai được cơ quan có thẩm quyền cho phép, thì xuất hiện không ít App cho vay biến tướng kiểu “tín dụng đen” với lãi suất “khủng”, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Đáng nói hơn, có App trá hình khi ghi lãi suất 0% nhưng thực chất lãi suất lên đến 30-40%/tháng, thậm chí có App cho vay lãi suất 70-100%/tháng.
Ví dụ: người dân khi vay 5 triệu đồng, App sẽ tính nhiều loại phí (phí quản lý 850.000 đồng, phí thẩm định 850.000 đồng, phí dịch vụ 990.000 đồng) và đối tượng cho vay đưa ra mức lãi suất 0% nhưng với yêu cầu, người vay phải thanh toán trong vòng 7 ngày, với tổng tiền vốn 7.690.000 đồng. Sau 7 ngày, người vay không thanh toán kịp sẽ bị phạt quá hạn.
Đặc biệt, khi đến hạn, người vay chậm trả, trễ hạn thanh toán thì bản thân người vay và những người có liên quan (người thân, bạn bè…) sẽ bị nhiều đối tượng lạ gọi điện thoại, nhắn tin hăm dọa, chửi bới, thậm chí sử dụng hình ảnh của từng cá nhân đưa lên mạng xã hội bôi xấu để ép buộc người vay phải trả hết các khoản lãi và gốc rất cao.
Điển hình, chị K.N (sinh năm 1987, ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, vợ chồng chị có một cửa hàng buôn bán nhỏ tại nhà. Do tình hình kinh doanh khó khăn nên kinh tế bị thiếu hụt và được một người bạn giới thiệu, có thể vay tiền nhanh chóng thông qua App trên điện thoại thông minh nên chị tìm hiểu và cài đặt App này để vay tiền. Khi truy cập vào một App vay tiền nhanh, được hướng dẫn tạo một tài khoản bằng cách cung cấp hình ảnh chụp chứng minh nhân dân của bản thân, ảnh cá nhân, số tài khoản ngân hàng…
Sau khi đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử ở App này thì ít phút sau, tài khoản ngân hàng của chị nhận được số tiền gần 1,4 triệu đồng, dù đăng ký vay 2 triệu đồng, do bị trừ các khoản phí dịch vụ. Và trong 8 ngày tiếp theo, chị phải trả hơn 2 triệu đồng, nếu chậm trả khoản vay thì sẽ bị phạt mỗi ngày hơn 100.000 đồng.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, nắm bắt được nhu cầu muốn vay tiền nhanh của nhiều người, các đối tượng cho vay tiền đã tạo ra nhiều App trên thiết bị di động để mời gọi. Các ứng dụng này thường được quảng cáo trên Internet để người có nhu cầu vay tiền tự tìm hiểu, cài đặt sử dụng. Sau khi tải một trong các App này về điện thoại di động và tạo tài khoản cá nhân, nếu người vay tiền chấp nhận mọi điều khoản thì ứng dựng tự báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiền tiếp nhận, liên lạc qua điện thoại với người vay tiền để thu thập, kiểm tra thông tin đăng ký trên App.
Quá trình xác minh cho thấy, trước khi chuyển tiền vào tài khoản của người vay, các đối tượng sử dụng App đã thu thập thông tin về người vay lẫn người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để sẵn sàng việc đòi nợ. Nhiều người vay tiền chưa có khả năng thanh toán trả hết tiền gốc lẫn lãi liền bị các đối tượng gọi đến đe dọa. Đáng nói, các đối tượng còn “ép” người vay thực hiện vay tiền của App khác để lấy tiền trả nợ.
Đặc biệt, để vay được tiền, trong hợp đồng điện tử trên App, người vay tiền buộc phải chấp nhận điều khoản đồng ý cho ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại. Vì thế, sau vài ngày, người vay không trả nợ thì các đối tượng sẽ gọi điện “khủng bố” người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để ép người vay trả tiền hoặc chúng bêu rếu, bôi xấu hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội Facebook, Zalo…
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh An Giang) khuyến cáo người dân cảnh giác khi vay tiền qua ứng dụng (App, web) trên Internet. Hoặc khi muốn vay tiền qua App, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện rõ thông tin trên website… Khi phát hiện những App cho vay tiền với lãi suất cao, người dân nên liên hệ cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tránh hệ lụy về sau. |