Cần thiết thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ sông Hậu

11/07/2018 - 07:16

 - TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Do nằm ven sông Hậu, thời gian qua, tình trạng sạt lở (SL) bờ sông diễn ra nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng bờ phải sông Hậu chảy qua TP. Long Xuyên đòi hỏi chính quyền địa phương và Trung ương phải cấp thiết triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý bền vững. Xuất phát từ tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép UBND tỉnh An Giang tổ chức lập dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế SL bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP. Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Sạt lở diễn biến nghiêm trọng

Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang Hồ Văn Quí cho biết: “Thực tế tình trạng lưu lượng dòng chảy lớn đi vào nhánh phải bờ sông Hậu hơn chục năm trở lại đây cao bất thường đã khiến tình trạng SL bờ sông khu vực trên diễn ra hết sức nghiêm trọng. Riêng đoạn sông Hậu khu vực TP. Long Xuyên thời gian qua diễn biến SL rất phức tạp, xảy ra nhiều vụ SL nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng bờ phải sông Hậu.

Từ tháng 5-2011 đến tháng 5-2012 đã xảy ra 4 vụ SL nghiêm trọng, phải di dời 100 hộ dân bị ảnh hưởng.Trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phường Bình Đức và phường Bình Khánh, kéo 15 nhà dân xuống sông, 50 hộ dân phải di dời khẩn cấp. SL đe dọa trực tiếp tuyến Quốc lộ 91 và hàng ngàn nhà dân có đất ven bờ cùng với hàng trăm hộ có nhà vùng SL đã, đang có nguy cơ rơi xuống sông. Dưới mỗi vị trí SL là 1 hố  xoáy dạng “hàm ếch” có chiều sâu khoảng 20m, chiều rộng khoảng 150-200m”.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng áp sát tuyến quốc lộ 91 ở phường Bình Đức tháng 6-2012

Hiện nay, đoạn sông này đang bồi lắng rất mạnh, hình thành những cồn nổi chiếm 2/3 chiều rộng nhánh sông, làm mất cân bằng tỷ lệ phân chia lưu lượng nước giữa nhánh trái và nhánh phải sông Hậu, tỷ lệ phân chia lưu lượng nước nhánh trái là 20%, nhánh phải là 80%. Đây là nguyên nhân làm tăng lưu lượng, lưu tốc dòng chảy qua nhánh phải sông Hậu, đẩy trục dòng chảy áp sát phía bờ phường Bình Đức-Bình Khánh và Mỹ Bình, hình thành lạch sâu và các hố xoáy gần bờ gây ra SL.

Cần thiết chỉnh trị dòng chảy

Giám đốc Sở TN&MT An Giang Trần Đặng Đức cho biết: “Theo kết quả dự báo, nếu không có công trình chỉnh trị dòng chảy sẽ gây SL bờ kè, khu dân cư, công trình kiến trúc, nhà máy... Vì vậy, việc chỉnh trị dòng chảy nhánh trái sông Hậu nhằm chia sẻ lưu lượng nước cho nhánh phải đang áp sát bờ sông khu vực nội thị TP. Long Xuyên là yêu cầu cấp bách cần phải triển khai”. Dự án do Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang làm chủ đầu tư đại diện cho 3 chủ đầu tư: Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thương mại Tấn Thắng.

Theo ông Đức, mục tiêu của dự án là chỉnh trị đoạn sông Hậu qua TP. Long Xuyên tạo dòng chảy ổn định, hạn chế tình trạng SL bờ sông trong điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, các cơ sở hạ tầng ven sông. Kết hợp chỉnh trang đô thị TP. Long Xuyên. Dự án gồm 10 tiểu dự án. Riêng đối với Tiểu dự án 1 nạo vét các bãi bồi của nhánh trái sông Hậu qua cù lao Mỹ Hòa Hưng, UBND tỉnh giao Sở TN&MT triển khai theo hình thức xã hội hóa.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, sau khi triển khai nạo vét nhánh trái sông Hậu cùng với việc thực hiện các tiểu dự án kè sẽ chặn đứng tình hình SL bên bờ TP. Long Xuyên (trong đó có bờ Tỉnh ủy) mà theo cảnh báo hàng năm đoạn này SL đặc biệt nguy hiểm. Nếu không triển khai nạo vét nhánh trái, nguy cơ mất ổn định và SL các công trình kè trong tương lai là rất cao.

Trong chuyến thị sát và làm việc với tỉnh An Giang qua vụ SL đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Vàm Nao, nhánh sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chỉnh trị dòng chảy là giải pháp cần phải được tính đến hàng đầu trong phòng, chống SL ven sông. Bởi, biện pháp cơ bản nhất là xây dựng hệ thống đê, kè phải tốn rất nhiều tiền đền bù, giải tỏa, thiết kế, thi công...”.

Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ số liệu thực đo cho thấy, sông Hậu chảy qua TP. Long Xuyên có một chế độ thủy lực và biến hình lòng dẫn phức tạp, vị trí tuyến lạch sâu biến đổi liên lục trên một đoạn sông ngắn. Kết quả nghiên cứu có rất nhiều khu vực thuộc nhánh phải chảy qua TP. Long Xuyên có nguy cơ sẽ xảy ra SL bờ, sụp đổ xuống sông nếu không có các giải pháp chỉnh trị, bảo vệ hợp lý. Việc điều chỉnh dòng chảy giữa các lạch trên sông Hậu bằng các biện pháp công trình chỉnh trị, kết hợp nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp, tạo tỷ lệ phân lưu hợp lý giữa các nhánh sông, hạn chế tác động của dòng chảy gây ra SL bờ sông phía TP. Long Xuyên là nhiệm vụ trọng tâm song song của dự án.

Lắng nghe dân

Hiện nay, UBND TP. Long Xuyên và UBND huyện Chợ Mới phối hợp các chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan đang công khai thông tin dự án, tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến dân cư chịu tác động trực tiếp thực hiện dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy khu vực nhánh trái sông Hậu. Kết quả, đa số người dân bờ huyện Chợ Mới đồng thuận, ủng hộ triển khai dự án, chỉ có 1 người dân không đồng tình vì lo ngại SL trong khu vực nạo vét.

Xã Hòa Bình (Chợ Mới) có hộ dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất, dù trong 2 ấp nhưng địa phương “cẩn thận” chia 4 buổi để thuận lợi cho dân đến dự. Tại các buổi lấy ý kiến, dân đồng tình rất cao. Ông Nguyễn Thành Long (ấp An Thuận) cho rằng: “Nhà nước lo cho dân, chúng tôi thấy khi có SL xảy ra, dù là thiên tai Nhà nước cũng giải quyết hậu quả, giúp dân di dời tài sản, hỗ trợ nền nhà, tiền cất nhà, ổn định cuộc sống, tất nhiên khi đã làm dự án phải có tính toán đảm bảo cuộc sống cho dân”. Các hộ dân chia sẻ: “Nghe Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam trình bày, tôi thấy hậu quả ghê gớm của SL, thiệt hại tài sản, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Nhà nước đã nghiên cứu giải pháp hạn chế SL thì không lý gì dân không đồng thuận”. Trong khi đó, ông Võ Văn Tòng (xã An Thạnh Trung) từng bị SL bờ kè của nhà máy hơn chục tỷ đồng, nên rất lo ngại SL trong khu vực nạo vét.

Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi người dân đang có tâm lý hoang mang với các dự án khai thác cát ven sông gây SL, mất nhà, đất canh tác, thì việc triển khai dự án chỉnh trị dòng chảy đôi khi cũng bị người dân đánh đồng với việc Nhà nước cho doanh nghiệp khai thác cát. Do đó, tỉnh quan tâm công khai dự án, lấy ý kiến cộng đồng trên tinh thần Nhà nước làm, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, tạo sự đồng thuận trong dân, giúp người dân vùng dự án hiểu rõ việc nạo vét, điều chỉnh lưu lượng nước, tính lợi ích và không gây thiệt hại về tài sản của người dân.

“Đây là dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về thủy văn, dòng chảy và SL, sử dụng các mô hình toán học để tính toán các thông số nạo vét nên dự án sẽ không xảy ra SL và được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, thời gian qua, đoạn sông liên tục bồi lắng mạnh cả bờ Mỹ Hòa Hưng và huyện Chợ Mới, nên việc nạo vét đối với khối lượng bồi lắng để đưa đoạn sông về hiện trạng tự nhiên trước đây, không phá hủy hiện trạng tự nhiên, nên không ảnh hưởng đến SL”- ông Trần Đặng Đức khẳng định.

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU