Kho app của hệ điều hành IOS và Android xuất hiện nhiều app có tính năng chỉnh ảnh. Tuy nhiên, người dùng phải mất phí, xem quảng cáo để tải app và hiệu ứng không đẹp nên những ứng dụng này chưa phổ biến. Mới đây, Zalo cho phép người dùng chỉnh sửa ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) miễn phí đã làm bùng nổ trào lưu đổi hình đại diện (avatar), quảng bá ảnh chỉnh sửa bằng AI trên các nền tảng xã hội. Thực trạng này dấy lên mối lo về vấn đề người dùng internet chủ động để lọt lộ thông tin cá nhân, ảnh cá nhân, tạo cơ sở để kẻ xấu thu thập thông tin, dẫn đến nguy cơ rủi ro bị lừa đảo, chiếm đoạt tài chính trên không gian mạng.
Dùng ứng dụng theo trào lưu
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 75 triệu người Việt dùng thường xuyên dùng ứng dụng Zalo. Dịp 20/10 mới đây, tính năng mới tạo ảnh đại diện bằng trí tuệ nhân tạo - Zalo AI Avatar đã tạo cơn sốt thay đổi ảnh đại diện trên mạng xã hội. Bởi lẽ, những bức ảnh chân dung đẹp, lung linh, siêu thực với nhiều phiên bản, phong cách khác nhau được Zalo AI Avatar tạo ra đã gây bất ngờ thú vị với người dùng.
Anh Trịnh Xuân Lâm (Quận Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, để có ảnh đại diện mới bằng Zalo AI Avatar rất đơn giản. Vào Zalo, gõ tên ứng dụng vào phần tìm kiếm. App yêu cầu cấp quyền truy cập vào kho ảnh để chọn ảnh rõ mặt hoặc chụp ảnh mới. Sau khi nhập một số thông tin về giới tính, lứa tuổi và phong cách ảnh mong muốn. Kết quả hình chỉnh sửa rất thú vị, anh đã chia sẻ lên Facebook và nhận được nhiều bình luận của bạn bè.
Đáng nói, trước khi sử dụng ứng dụng, anh Xuân Lâm đã nhanh tay nhấp vào phần “Đồng ý với Thỏa thuận về dịch vụ Zalo” mà không hề đọc điều khoản. Thực tế, thói quen sử dụng trước khi đọc hướng dẫn là khá phổ biến và điều này mang đến nhiều rắc rối khi có tranh chấp xảy ra giữa người sử dụng và bên cung cấp dịch vụ.
Đặc biệt, thao tác của người dùng tải ảnh gốc và nhận về ảnh mới là hành động chủ động cung cấp thông tin sau khi đã đồng ý với thỏa thuận sử dụng dịch vụ khiến cho việc sử dụng ứng dụng này tiềm ẩn rủi ro về bảo mật dữ liệu. Bởi lẽ, ảnh được tải lên không phải sử dụng một lần rồi tự động xóa bỏ. Bản chất là ảnh đã được tải lên và sau đó vẫn lưu trữ tại hệ thống máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS cảnh báo, việc tập trung các hình ảnh tại một nơi sẽ có nguy cơ bị lộ lọt, tấn công bởi hacker. Nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể dùng công nghệ deepfake để tạo ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo.
Nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu
Những video lừa đảo được tạo bởi công nghệ deepfake đã liên tục được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông. Việc cung cấp ảnh cá nhân thiếu kiểm soát trên mạng là cơ sở để kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, tạo dựng video giả mạo có hình ảnh giống thật để tiến hành lừa đảo, chiến đoạt tài sản. Đầu tháng 10/2023, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đánh giá nhận thức, ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của một bộ phận người dân chưa cao, khi sẵn sàng đánh đổi thông tin của mình để lấy tiện ích của các dịch vụ.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, việc để lộ, lọt thông tin cá nhân là tình trạng đang diễn ra phổ biến ngay cả ở những tổ chức, công ty bảo mật tốt trên thế giới vì nhiều lý do. Nhắc lại vụ việc Facebook đã bị rò rỉ dữ liệu của hơn 500 triệu người dùng hồi tháng 4/2021; vụ mua bán dữ trái phép gần 1.300 GB liệu chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước được Bộ Công an tổng hợp trong 2 năm 2019, 2020, ông Nguyễn Đức Tuân nhấn mạnh: Ngày nay, thông tin cá nhân cũng là mục tiêu săn tìm của các đối tượng tội phạm mạng.
Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, Luật An toàn thông tin mạng đã đi vào thực thi, trong đó có nhiều quy định cụ thể làm căn cứ cho việc bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức của chủ thể, người dùng mạng internet chưa tốt dẫn đến hành động tùy tiện chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội. Đây là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tính trạng phổ biến lộ lọt thông tin cá nhân. Theo đánh của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, 80% nguyên nhân lộ lọt dữ liệu cá nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng, 20% còn lại là lỗi của các nền tảng đang nắm giữ thông tin. Các cơ quan chức năng đã nỗ lực tuyên truyền để giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ thông tin cá nhân, coi thông tin cá nhân cũng là giá trị, là tài sản. Bảo vệ thông tin cá nhân cũng chính là bảo vệ mình trước rủi ro trên không gian mạng.
Để bảo vệ thông tin, các chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo, người dân hạn chế cung cấp thông tin cá nhân trong các giao dịch trên không gian mạng bởi nguy cơ lộ, lọt thông tin qua hoạt động này là rất lớn. Người dân cần đề phòng, chủ động bảo vệ thông tin của bản thân bằng việc sử dụng bảo mật nhiều lớp cho những thông tin cá nhân có giá trị. Đồng thời, thận trọng cân nhắc việc chia sẻ thông tin cá nhân, ảnh, video trên các nền tảng mạng xã hội. Khi đăng ký các dịch vụ trực tuyến, người dùng cần dành thời gian đọc các quy định trong điều khoản khi tham gia sử dụng các dịch vụ này.
Xã hội càng phát triển, công nghệ càng được ứng dụng vào phục vụ nhu cầu của con người ngày càng hiện đại, người dùng công nghệ cần tự trang bị kỹ năng số, cẩn trọng khi cung cấp thông tin trên mạng.
Theo TTXVN