Tiền mất, tật mang
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… công khai rao bán các loại thuốc gia truyền, với những lời quảng cáo “có cánh” để tạo lòng tin của người bệnh nhằm trục lợi. Những bài thuốc gia truyền này được giới thiệu như “thần dược” có thể chữa bách bệnh, từ các bệnh: Mỡ máu cao, sỏi thận, trĩ nội, trĩ ngoại, viêm xoang… cho đến những bệnh y học hiện đại khó chữa, như: Xơ gan, viêm gan A, B, C, ung thư gan, ung thư phổi…
Bệnh nhân chỉ cần liên hệ vào “số điện thoại hiển thị trên màn hình” hoặc chỉ cần nhắn tin, bình luận để lại số điện thoại sẽ có nhân viên liên hệ tư vấn miễn phí. Đặc biệt, các nhà thuốc “gia truyền”, “danh y”, “thần y” này còn tạo lòng tin người dân bằng cách “nổ” là: “Sản phẩm đã được Bộ Y tế, Sở Y tế chứng nhận an toàn” cùng hàng loạt văn bản có dấu đỏ do các cơ quan y tế cấp.
Người dân không nên mua thuốc không rõ nguồn gốc
Với tâm lý “may thầy, phước chủ”, không ít người cả tin mua thuốc của các “nhà thuốc gia truyền”, “3 đời điều trị bệnh”, “danh y”, “thần y”… trên mạng xã hội về uống, vừa mất tiền nhưng bệnh không thuyên giảm. Anh Phan Văn Thà (43 tuổi, TP. Long Xuyên) bị bệnh viêm gan B. Khi lướt Facebook, YouTube, anh thấy trang quảng cáo “thuốc gia truyền” với cam kết chữa khỏi bệnh xơ gan, viêm gan A, B, C, cùng lời khẳng định: “Uống 1 liệu trình duy nhất sẽ khỏi dứt điểm bệnh gan”.
Do tâm lý mong muốn mau hết bệnh nhưng không phải đến bệnh viện, anh Thà điện thoại đặt mua thuốc chữa bệnh. Hình thức mua thuốc khá đơn giản, chỉ cần cung cấp địa chỉ nơi ở, số điện thoại, vài hôm sau sẽ có người giao thuốc đến tận nhà, rồi trực tiếp thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng.
Trong thời gian uống thuốc, anh Thà thực hiện chế độ kiêng khem theo khuyến cáo của nhà thuốc, như: Tuyệt đối không uống rượu, bia, không ăn đồ chiên, xào, không ăn thức ăn nhanh, uống nước có ga... Tuy nhiên, uống hết 1 liệu trình, anh xét nghiệm kiểm tra các chỉ số bệnh gan vẫn không giảm, thậm chí cơ thể mệt mỏi hơn do bị đi ngoài nhiều.
Thấy tình hình bệnh nặng hơn, qua lời khuyên, giải thích, hướng dẫn điều trị của bác sĩ ở bệnh viện, anh Thà điều trị theo phác đồ. “Suy nghĩ lại, tôi thấy mình chủ quan, chỉ vì ngại đi khám, điều trị ở bệnh viện vì sợ mất nhiều thời gian nên giờ “tiền mất, tật mang”, bệnh không giảm mà còn nặng hơn. Cũng may là tôi mới uống 1 liệu trình (mất gần 2 triệu đồng) và bệnh vẫn chưa trở nên trầm trọng. Tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm những “nhà thuốc gia truyền” này để tránh nguy hại đến sức khỏe người dân” - anh Thà chia sẻ.
Tăng cường quản lý, xử lý
“Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm đông, nam dược không rõ nguồn gốc này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược 105/2016/QH13” - Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền nhấn mạnh.
Ông Hiền cho biết, ngành y tế sẽ phối hợp các cơ quan báo chí, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị; tuyên truyền, vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế, mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.
Ngành y tế chủ động nắm bắt các thông tin về việc sản xuất, mua bán, quảng cáo thuốc bất hợp pháp trên mạng xã hội; phối hợp các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn. Đồng thời, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các tổ chức, cá nhân vi phạm để người dân tránh mua phải thuốc chưa được phép lưu hành.
Thực hiện Công văn 286/BYT-QLD, ngày 18/1/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc; đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Trong đó, chú trọng đến công tác điều tra, khám phá, xử lý các đường dây, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc trái phép.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các cơ quan chủ quản yêu cầu những đơn vị phát hành quảng cáo cần chủ động, có trách nhiệm kiểm tra, chỉ thực hiện quảng cáo, tải quảng cáo đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Các đơn vị chủ quản thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý.
Các cơ quan báo chí trong tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc đã được cấp phép hoạt động theo quy định. Khi mua thuốc phải có nguồn gốc rõ ràng, giữ hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng, giúp các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.
MINH THƯ