Ngày nay, trên tất cả các nền tảng mạng xã hội từ Zalo, Facebook, TikTok, Instagram… người dùng có thể thoải mái đăng tải hình ảnh, video, thể hiện cảm xúc vui buồn hàng ngày. Và mạng xã hội không biết từ bao giờ đã trở thành trang nhật ký riêng của cá nhân với mong muốn được bày tỏ chia sẻ với bạn bè, cộng đồng.
Chính nơi đây, hạnh phúc đời thường của các thành viên gia đình được chia sẻ và cả những câu chuyện buồn, như: Thất tình, ngoại tình, đánh ghen, đấu đá giữa vợ và người thứ ba cũng được phơi bày. Rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” đã làm cộng đồng mạng ngỡ ngàng thời gian qua, kèm theo đó là nỗi đắng cay của người trong cuộc.
Khoảng cuối tháng 8/2022, cộng đồng mạng được phen xôn xao với drama (truyện dài, phức tạp) “lòng xào dưa” ở tỉnh Thái Bình. Cụ thể, người vợ bị phản bội đã lên mạng tố chồng mình và nữ giáo viên mầm non dan díu với nhau trong một thời gian dài.
Để minh chứng, người phụ nữ này trưng ra rất nhiều tin nhắn kèm hình ảnh nhạy cảm. Nhanh chóng, cư dân mạng đã “vào cuộc” và thổi bùng câu chuyện trên khắp các trang mạng. Người tung hô khen bà vợ cao tay, người thì mắng nhiếc cặp đôi không liêm sỉ.
Cũng có người đưa ra lời khuyên người vợ không nên đưa chuyện chồng ngoại tình lên mạng xã hội, bởi làm như vậy là dấu chấm hết cho hôn nhân. Hậu quả, nữ giáo viên được cho là “tiểu tam” (người thứ ba) đã không chịu nổi áp lực, phải xin nghỉ việc và về nhà mẹ đẻ tránh “bão” dư luận.
Không lâu sau đó, tiếp tục xuất hiện thêm một drama, lần này người đăng đàn sự việc là một người đàn ông. Người này lên mạng than thở rằng “16 năm tình nghĩa vợ chồng, không bằng vài phút mặn nồng bên anh”. Người chồng tiết lộ, anh ta đã thẳng thắn nói chuyện với vợ và con cái cũng biết chuyện, tuy nhiên vợ anh vẫn “chứng nào tật đó”, vì thế anh đã công khai mọi việc. Anh nhấn mạnh, muốn mọi người biết sự thật nó phũ phàng như thế nào...
Có thế thấy, chuyện bóc phốt nhau rồi đưa lên các diễn đàn dần trở thành “mốt”, là nơi để thỏa mãn cơn nóng giận. Rất nhiều bà vợ coi mạng xã hội như một công cụ để đánh ghen, trả thù bạn đời và “tiểu tam”. Mạng xã hội là không gian ảo, công khai chuyện gia đình lên mạng xã hội sẽ khiến dư luận xôn xao, đồn thổi, để rồi trở thành trò cười cho thiên hạ hoặc có khi để lại hậu quả nặng nề...
Khi cơn nóng giận qua đi, người đăng tải có thể xóa bài, nhưng những gì công khai trên mạng đã được sao chép và lan truyền chóng mặt. Đồng nghĩa với việc câu chuyện vẫn tồn tại, người ta sẽ còn nhắc đến. Đây liệu có phải là cách hay không, khi mà sau những tổn thương của ba mẹ là ám ảnh cả đời về mặt tâm lý đối với những đứa trẻ? Bởi trước đó, chúng có thể đang rất tự hào về cha mẹ mình, thì nay đổi lại cảm giác xấu hổ đến tận cùng. Tâm lý yếu ớt khiến chúng muốn né tránh sự thật nghiệt ngã này bằng cách không muốn đến trường, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, cuộn mình trong vỏ kén tự ti, tủi hổ.
Có thể nói, mạng xã hội có những ưu thế là nơi giải trí, kết nối bạn bè, chia sẻ với cộng đồng… Tuy nhiên, đó cũng là nơi phơi bày những cảm xúc tiêu cực, câu chuyện bi hài của các gia đình mà người chịu tổn thương sâu sắc là con trẻ. Câu chuyện tình cảm, hôn nhân của ba mẹ chưa biết tiếp diễn như thế nào, nhưng điều chắc chắn rằng lời nói trên mạng không thể là “gió thoảng, mây bay”, các trẻ trong những gia đình được nhiều người biết đến trên mạng xã hội, sẽ vượt qua tâm lý và trưởng thành như thế nào?
Thiết nghĩ, mỗi người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng hơn trước khi đăng một trạng thái, một cú nhấp chuột, kiểm soát cảm xúc cá nhân để tránh làm tổn thương bản thân, các thành viên trong gia đình và nhất là con em mình. Hãy tự trở thành một người sử dụng mạng xã hội có văn hóa, văn minh, lan tỏa những giá trị nhân văn hơn cho cộng đồng.
NGỌC GIANG