Tuyên bố nêu trên của Ankara đặt ra một bài toán phức tạp đối với lãnh đạo khối Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, Bộ trưởng Nội vụ Đức cảnh báo rằng, nếu EU không kịp thời hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này, châu Âu sẽ một lần nữa đối mặt với làn sóng tị nạn “khủng khiếp” hơn hồi năm 2015.
Bài toán hóc búa với EU
Tờ Bild am Sonntag ngày 7-10 (giờ Việt Nam) dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cảnh báo về một làn sóng người tị nạn mới, lớn hơn cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu hồi năm 2015.
Theo đó, ông Horst Seehofer cho biết: "EU cần hành động nhiều hơn để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm ngăn chặn những người tị nạn bất hợp pháp vượt biên sang Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italia. Chúng ta phải giúp các đối tác châu Âu của mình trong việc tuần tra biên giới ngoài EU. Họ đã ở đó và phải giải quyết mọi thứ một mình quá lâu. Nếu chúng ta không đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời, một lần nữa làn sóng tị nạn khủng khiếp hơn cả bốn năm trước sẽ đe dọa tương lai EU".
Ông Horst Seehofer đưa ra phát biểu trên sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ mở cửa cho người di cư vào châu Âu, nếu nước này không nhận được sự hỗ trợ quốc tế phù hợp.
Châu Âu có nguy cơ hứng chịu làn sóng tị nạn mới khủng khiếp hơn hồi 2015. Nguồn: Reuters
Theo thỏa thuận tị nạn đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hồi 2016, liên minh 28 nước thành viên EU cam kết viện trợ 6 tỷ Euro (tương đương 6,6 tỷ USD) cho Ankara trong thời gian 2016-2019 để cải thiện điều kiện sống của người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, EU mới chỉ giải ngân cho Thổ Nhĩ Kỳ 2,57 tỷ Euro (tương tương 2,83 tỷ USD). Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã nhiều lần kêu gọi EU chia sẻ gánh nặng người tị nạn trong bối cảnh Ankara lo ngại rằng, dòng người di cư mới từ tỉnh Idlib (Syria), giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đổ sang quốc gia được coi là nơi trung chuyển vào châu Âu này.
“Chúng tôi đang phải gánh vác 3,6 triệu người tị nạn Syria. Trong thời gian tới, nếu kế hoạch thiết lập vùng an toàn tại miền Bắc Syria thất bại, tình trạng bạo lực tại Idlib gia tăng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể lường trước về khủng hoảng di cư”, ông Soylu nêu rõ.
Thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) chỉ rõ, riêng trong tháng 9 vừa qua, số người di cư đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận là 10.258 người, mức cao nhất hàng tháng kể từ khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận năm 2016 nhằm hạn chế dòng người di cư đổ vào các quốc gia cửa ngõ châu Âu.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva thừa nhận dòng người di cư trái phép vào Hy Lạp trong những tuần qua đã tạo gánh nặng đối với hệ thống chưa hoàn thiện của nước này và đặt ra những tình huống khó có thể ứng phó kịp thời.
Trại Moria tại Hy Lạp là trại tị nạn lớn nhất của châu Âu ban đầu có sức chứa khoảng 3.000 người, song trên thực tế số người tại đây hiện lên tới 13.000 người. Tính đến nay, Hy Lạp đã tiếp nhận khoảng 70.000 người tị nạn và di cư, chủ yếu là công dân Syria trốn chạy khỏi quê nhà từ năm 2015 sau đó vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Và những giải pháp tiềm năng
Giới học giả nhận định, vấn đề đặt ra đối với châu Âu không còn là có thể kiểm soát được lượng người di cư hay không, mà là có thể tập trung nỗ lực nhân đạo để cứu thêm nhiều người hay không. Đặc biệt, để giải quyết được bài toán này thì bước đầu tiên cần được tiến hành chính là hóa giải mâu thuẫn nội bộ giữa các Đông Âu và Tây Âu, do các nước Đông Âu không có cùng quan điểm về trách nhiệm đối với người nhập cư. EU từng phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư cho các nước thành viên, nhưng đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của một số nước.
Hiện nay, EU đang tính đến một số giải pháp tiềm năng, nhằm tránh những nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra đối với tương lai của khối. Một là, tăng quân số của lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới ngoại vi của EU từ 1.500 người như hiện nay lên 10.000 người, tức là gấp gần 10 lần, đồng thời tăng ngân sách để biến lực lượng này thành cảnh sát biên phòng thực sự của châu Âu, trong đó chức năng chính là ngăn chặn các con tàu di cư bất hợp pháp trên Địa Trung Hải.
Hai là, xây dựng các trại tị nạn bên ngoài lãnh thổ châu Âu để sàng lọc ngay từ đầu những người xin tị nạn. Người nào là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực thì sẽ được tiếp nhận hồ sơ còn người nào thuộc dạng tị nạn kinh tế thì khả năng sẽ bị loại bỏ.
Ba là, châu Âu sẽ nghiên cứu siết chặt kỷ luật, đưa ra các quy định có tính bắt buộc với tất cả các thành viên về san sẻ trách nhiệm, đi kèm với đó là các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Từ đó, tất cả các thành viên phải cùng tuân thủ và một số nước như Italia, Hy Lạp hay Tây Ban Nha - các nước phải nhận đến 90% lượng người tị nạn trên Địa Trung Hải, không cảm thấy bất công.
Theo Công an nhân dân