Trước đó, ngày 10/9, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận bệnh nhân P.T.N (48 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng sốt cao 40 độ C, có lúc sốt nóng, lúc sốt rét, đặc biệt đau đầu dữ dội, buồn nôn, mệt mỏi, không ăn uống được.
Hồ sơ bệnh án của bệnh viện tuyến dưới cho thấy bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản và đang điều trị bằng kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, sau 48 giờ điều trị, tình trạng người bệnh chưa cải thiện và có thêm các triệu chứng sốt cao liên tục, ho tăng lên và suy hô hấp nghiêm trọng.
Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa, bác sĩ quyết định cho người bệnh thực hiện chụp cắt lớp vi tính (MSCT) lồng ngực và các xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả cho thấy có những tổn thương dạng kính mờ ở vùng đáy phổi phải, cùng với tình trạng tràn dịch màng phổi hai bên.
Đặc biệt, trong quá trình thăm khám lâm sàng toàn diện, các bác sĩ phát hiện người bệnh có một vết loét màu đen hình bầu dục kích thước 0,8cm ở mặt sau đùi phải, một dấu hiệu rất dễ bị bỏ qua nếu không chú ý.
Khai thác bệnh sử được biết người bệnh trước đó có đi vùng núi Cấm (tỉnh An Giang) để tìm hái lá cây thuốc nam điều trị bệnh. Sau khi về nhà phát hiện có bị đau vùng đùi phải, sau đó loét và không lành. Kết hợp thêm các triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ xác định người bệnh đang mắc viêm phổi do sốt ve mò.
Sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, chỉ sau 3 ngày, người bệnh có sự cải thiện rõ rệt. Hiện tình trạng người bệnh khỏe mạnh, không còn các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Các chỉ số xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm nhiễm trở về bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thành Thái, Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Sốt ve mò là một loại bệnh lây nhiễm do vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi thuộc họ Rickettsia gây ra, lây qua vết cắn của ấu trùng bọ ve mò. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, ở những vùng ẩm ướt, nhiều cây cối. Vùng nông thôn có tỷ lệ mắc phải cao hơn thành thị; các tỉnh, thành phố phía Bắc cao hơn phía Nam.
Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: sốt cao kéo dài, lạnh run, đau đầu và đặc biệt xuất hiện các vết loét da màu đen. Người dân cần cảnh giác và ngay lập tức đến cơ sở y tế khi có những dấu hiệu này. Vết mò đốt thường ở những vùng da mềm, ẩm như cổ, nách, bẹn, hông lưng, thậm chí đã có trường hợp vết đốt ở bộ phận sinh dục. Ban đầu vết đốt chỉ nhỏ bằng hạt đỗ, không đau nên người bệnh thường không chú ý. Sau vài ngày bắt đầu phát bệnh với triệu chứng sốt cao kéo dài 15 - 20 ngày, thậm chí cả tháng. Vết đốt sau đó sẽ đóng vảy nâu, xung quanh có quầng đỏ hồng.
Việc các bác sĩ xác định chính xác tác nhân gây viêm phổi đôi khi gặp khó khăn do thời gian nuôi cấy vi khuẩn có thể kéo dài. Đôi khi bác sĩ không nghĩ đến bệnh, không tìm và quan sát được vết loét dễ dẫn tới bỏ sót. Bệnh tương đối ít gặp, biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh do côn trùng đốt khác như muỗi, bọ chét, kiến… Đặc biệt hiện tại đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, sốt mò có thể nhầm với sốt xuất huyết do đều có sốt và có triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc. Hai bệnh điều trị với phác đồ thuốc hoàn toàn khác nhau, nên rất nguy hiểm nếu chẩn đoán không kịp thời.
Với bệnh nhân sốt ve mò, thông thường nếu phát hiện kịp thời và dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu thì trong 48 - 72 giờ có thể hết sốt. Nhưng bệnh nhân P.T.N sốt ve mò để lâu đã biến chứng thành viêm phổi, suy hô hấp nên phải điều trị kháng sinh từ 7 - 10 ngày, kết hợp thở oxy gọng kính, bởi lúc này người bệnh có thể đối diện với những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não và thậm chí sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa tình trạng sốt ve mò, người dân nên chú ý chăm sóc môi trường sống, dọn dẹp các khu vực cây bụi rậm và tiến hành phun thuốc diệt côn trùng để tránh tái phát bệnh, mặc quần áo dài tay để giảm tiếp xúc với da. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý này sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người.
Theo TTXVN