Cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

08/01/2021 - 06:22

 - Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao (thông qua mạng máy tính, viễn thông, mạng xã hội, Internet...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, như: mạo danh công ty tài chính chiếm đoạt tiền “bảo hiểm khoản vay” của người vay tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...), chiếm đoạt tiền của người gia công tranh đính đá... Để tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa của quần chúng nhân dân, Công an tỉnh vừa thông báo một số phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội.

Mạo danh các công ty tài chính

Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh các công ty tài chính cho vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền "bảo hiểm khoản vay" của khách hàng nhưng không giải ngân tiền vay cho khách. Để thực hiện hành vi trên, đối tượng sử dụng máy móc, thiết bị điện tử, thuê các địa điểm khác nhau để làm văn phòng, thuê nhân viên, lập ra các Fanpage trên các trang mạng xã hội, như: Facebook, Zalo... lấy tên gọi của các công ty tài chính (do đối tượng tự đặt ra; các công ty đều không có thật), như: Công ty TNHH dịch vụ và thương mại HSJC, Công ty TNHH Hạ Thái, Công ty TNHH Hoàng Lâm, Công ty Cổ phần tài chính quốc tế GC, Công ty Tài chính Việt Nam... cho vay tiền từ 5.000.000 - 70.000.000 đồng/hợp đồng vay tín dụng, với lãi suất 0,5%/tháng.

Thủ tục vay tiền đơn giản (chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe, biên lai tiền điện hàng tháng gửi qua mạng xã hội Zalo), nên rất nhiều khách hàng đã liên hệ, đăng ký số điện thoại để vay tiền. Từ thông tin khách hàng nhắn tin trên các trang Fanpage, đối tượng tổng hợp và chia cho từng văn phòng để nhân viên trong các văn phòng này liên lạc, giả tư vấn cho vay theo kịch bản các đối tượng soạn sẵn. Trong đó, các đối tượng này yêu cầu khách hàng khi vay đều phải đóng tiền bảo hiểm rủi ro cho khoản vay, với mức tiền 550.000 đồng/khoản vay.

Ảnh minh họa (Internet)

Khi người vay đồng ý theo các nội dung vay tiền, đối tượng giao cho nhân viên thông qua các công ty chuyển phát nhanh để gửi cho người vay “bản hợp đồng tín dụng giả” (hợp đồng sử dụng con dấu giả với tên của các công ty nêu trên) để tạo lòng tin cho người vay. Nhân viên của các công ty chuyển phát nhanh khi giao “gói hàng” chuyển phát cho khách sẽ thu khoản tiền bảo hiểm rủi ro từ khách vay. Sau đó, công ty chuyển phát nhanh sẽ chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng đã đăng ký hoặc đối tượng đến nhận theo từng mã số của “đơn hàng”. Khi nhận được tiền, đối tượng chỉ đạo nhân viên chặn liên lạc với khách vay và không giải ngân bất kỳ khoản cho vay nào.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người gia công tranh đính đá

Thủ đoạn thứ 2 là thông qua mạng xã hội, các đối tượng dùng thủ đoạn tuyển người lao động làm gia công tranh đính đá, yêu cầu người làm thuê tranh phải đặt cọc tiền tranh và hứa sẽ thu mua lại tranh khi đã hoàn thành với giá cao. Đối tượng mua tranh trên mạng xã hội với giá rẻ 90.000 đồng/tranh khổ nhỏ (80x50cm), 120.000 đồng/tranh khổ lớn (120x30cm). Sau đó gửi cho người làm thuê tranh, đồng thời yêu cầu họ đặt cọc số tiền 350.000 đồng với nguyên liệu 1 tranh khổ nhỏ, 450.000 đồng với nguyên liệu 1 tranh khổ lớn; hứa hẹn sẽ mua lại 650.000 đồng/tranh khổ nhỏ và 750.000 đồng/tranh khổ lớn.

Tuy nhiên, sau khi người làm thuê tranh chuyển tiền đặt cọc, hoàn thành tranh thì đối tượng không thu mua lại và chặn số điện thoại, Zalo của người làm thuê tranh để chiếm đoạt tiền đặt cọc. Điển hình, ngày 31-10-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đã khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội như trên, chiếm đoạt 698.848.000 đồng của 1.632 người ở nhiều địa phương khác nhau.

Để phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm trên, người dân cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ. Không tự xử lý khi nhận được các cuộc gọi lạ tự xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Thông báo ngay cho cơ quan công an khi có sự nghi ngờ để được hỗ trợ, phối hợp giải quyết.

MINH THƯ