Cảnh giác với hiện tượng ma túy “ngụy trang” trong thực phẩm

13/11/2021 - 08:29

Thời gian gần đây, trên thị trường liên tục xuất hiện các loại thực phẩm có chứa chất ma túy. Không ít người bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng sản phẩm độc hại này. Đây là thủ đoạn mới được các đối tượng dùng để đưa ma túy vào xã hội, vì thế rất cần các cơ quan quyết liệt ngăn chặn và người dân cần đề cao cảnh giác.

Nguyễn Thị Thái Dung (trú phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bị lực lượng chức năng bắt vì có hành vi xay cần sa rồi pha vào trà sữa bán kiếm lời. Ảnh: NGỌC HÀ

Cuối tháng 10-2021, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) tiến hành điều tra, xác minh vụ việc 13 học sinh một trường THPT trên địa bàn bị ngộ độc nghi do ăn kẹo có chứa chất ma túy. Theo đó, các học sinh nêu trên có biểu hiệu ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, tê bì chân tay... Sau khi test nhanh, cả 13 em đều có kết quả dương tính với ma túy.

Qua rà soát, các học sinh đã ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc (mầu xanh, có in chữ nước ngoài) do một học sinh nam trong lớp mang đến. Qua sự việc trên đây và một số vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện, có thể thấy, hiện tượng ma túy ngụy trang trong thực phẩm không còn hiếm. Cũng trong tháng 10 vừa qua, Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) phát hiện bắt giữ hai vụ tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ hàng chục gói chất dạng bột thực phẩm.

Kết quả giám định xác định chất bột trong các gói thu giữ có chứa nhiều tạp chất, trong đó có chứa thành phần chất MDMA (ma túy tổng hợp). Cách đây không lâu, Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra đường dây mua bán ma túy ẩn trong các gói nước xoài. Qua công tác đấu tranh, cơ quan công an thu giữ nhiều gói ma túy được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm pha nước uống, kẹo dạng thanh có chất gây nghiện.

Thời gian qua, Bộ Công an nhận được báo cáo của một số đơn vị, địa phương về thủ đoạn trá hình ma túy tổng hợp rất tinh vi. Qua công tác đấu tranh, cơ quan công an thu giữ các gói ma túy được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm hương dâu pha uống. Trong gói bao bì có hình thức bắt mắt nhưng không có tên nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ này là chất bột có mầu trắng đục mùi dâu. Qua giám định, thành phần chủ yếu trong chất bột này là ma túy tổng hợp. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng bị bắt giữ, những gói bột là một dạng ma túy.

Ngoài ra, tại một số địa phương, lực lượng chức năng phát hiện một loại nước xoài được chứa trong một gói ni-lông, bên ngoài in hình quả xoài với dòng chữ “Crispy Fruit Mango”, bên trong chứa chất bột mầu vàng là ma túy ở thể rắn, thuộc loại Bromazepam, có trọng lượng hơn 17,6 gram. Theo cơ quan chức năng, các loại ma túy dưới vỏ bọc có tên “nước xoài”, “nước dâu” này có thể khiến người dân khi nhìn vào đều cho rằng đây chỉ là một loại nước uống giải khát bởi có thể hòa tan với nước để uống. Trước tình trạng nêu trên, ngày 2/11 vừa qua, Bộ Công an ra khuyến cáo, đây là hình thức, thủ đoạn rất mới; những sản phẩm này nếu được tiêu thụ ở các trường học hay các khu vui chơi thì sẽ rất nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội và khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn.

Theo PGS, TS Võ Tường Kha (Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam), qua các vụ phát hiện ma túy “ngụy trang” trong thực phẩm thời gian gần đây, có thể thấy các chất thường được trộn lẫn vào là Bromazepam, THC (một hoạt chất trong cây cần sa) và ma túy tổng hợp. Bromazepam mặc dù được sử dụng trong y tế nhưng chỉ được dùng nếu có chỉ định của bác sĩ bởi có khả năng gây nghiện. Nếu dùng Bromazepam trong thời gian dài sẽ gây rất nhiều tác hại đến sức khỏe, tinh thần như tăng nhịp tim, gây ảo giác, hay đổ mồ hôi, lo sợ vô cớ, dễ mất kiểm soát hành vi…

Để ngăn chặn các loại thực phẩm này, cơ quan chức năng cần thường xuyên triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học, quán bar, ka-ra-ô-kê…; có biện pháp tuyên truyền để người dân, nhất là giới trẻ cảnh giác trước các loại chất gây nghiện; tránh sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Khi phát hiện các loại thực phẩm nghi có chứa chất gây nghiện, cần thông báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Các cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh cần tăng cường giáo dục, hướng dẫn con em không nên mua đồ ăn uống trước cổng trường, hàng ăn vặt, các sản phẩm không rõ nguồn gốc để bảo đảm an toàn.

Theo HOÀNG PHAN - NGỌC HIẾU (Báo Nhân Dân)