Câu chuyện khoai môn sấy Gia Bảo

06/07/2020 - 05:30

 - Nhận thấy bán nông sản thô dễ bị người mua ép giá hoặc nợ tiền, anh Dương Quốc Thông (xã Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang) quyết định chế biến thành các sản phẩm củ, quả sấy và dần tạo được thương hiệu trên thị trường. Đối với sản phẩm chủ lực là khoai môn sấy, đã được Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP huyện Châu Phú chấm đạt yêu cầu, chuyển Hội đồng tỉnh thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP tỉnh An Giang (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm).

Nâng giá trị sản phẩm

Sống trong gia đình có nhiều đời buôn bán khoai môn nên anh Dương Quốc Thông, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Gia Bảo (Quốc lộ 91, ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, Châu Phú), hiểu rất rõ những nỗi thăng trầm của câu chuyện nông sản.

“Khoai môn là một trong những loại cây màu chủ lực của An Giang, sản lượng khá lớn. Trước đây, thế hệ của ông nội tôi, ba tôi rồi đến tôi chuyên thu gom khoai môn của nông dân trong tỉnh bán lại cho doanh nghiệp (DN). Đặc điểm của khoai môn là thu hoạch rộ vào các tháng 3, 4, 5 (âm lịch) nhưng các tháng khác không có nhiều. Vào mùa thu hoạch rộ, số lượng nhiều nên khoai môn rất dễ bị DN ép giá. Do trữ tự nhiên không được lâu nên giá thấp, giá cao gì cũng phải bán” - anh Thông chia sẻ.

Những lần vận chuyển khoai môn lên bán cho DN chế biến nông sản ở TP. Hồ Chí Minh, anh Thông lân la làm quen với những người làm việc trong công ty để tìm hiểu quy trình sản xuất sản phẩm nông sản, đặc biệt là công nghệ sấy củ, quả tươi. Sau khi có được kiến thức cơ bản, chàng doanh nhân “8X” quyết định thử nghiệm sản xuất khoai môn sấy.

“Đầu tiên, tôi sử dụng hệ thống sấy chạy bằng điện. Tuy nhiên, do điện tốn kém quá nên tôi chuyển qua công nghệ sấy bằng nhiệt hơi nước, tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều. Tôi mang sản phẩm cho những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến nông sản dùng thử, sau đó giới thiệu ở các siêu thị, cửa hàng, xây dựng hệ thống đại lý phân phối. Công ty luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm nên sản phẩm dần được thị trường chấp nhận. Tôi đã đăng ký nhãn hiệu, mã vạch, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ ra miền Trung, miền Bắc” - anh Thông phấn khởi.

Thành công bước đầu với khoai môn sấy, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Gia Bảo đã mở rộng sản xuất nhiều loại rau, củ sấy khác như: khoai lang sấy, mít sấy…

Chế biến sản phẩm củ, quả sấy

Xúc tiến thị trường

Anh Dương Quốc Thông cho biết, mỗi năm, Công ty TNHH SX-TM Gia Bảo thu mua từ 500 - 1.000 tấn khoai môn của các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Châu Phú… Hiện nay, công ty đang mở rộng thu mua các sản phẩm củ, quả khác của nông dân trong tỉnh. Nếu trước đây, chủ yếu bán sản phẩm thô thì hiện nay, anh Thông cho sơ chế sản phẩm rồi cấp đông, dự trữ được cả năm.

“Việc trữ được nguồn nguyên liệu giúp công ty chủ động trong sản xuất. Vào thời điểm không phải mùa thu hoạch khoai môn, công ty vẫn có được nguyên liệu chế biến. Từ khi thực hiện được khâu sơ chế, trữ nguyên liệu và tự sản xuất các sản phẩm củ, quả sấy, các DN ở TP. Hồ Chí Minh không dám ép giá hay nợ tiền mua nông sản tươi bởi khi giá thấp, mình trữ lại không bán” - anh Thông thẳng thắn.

Mong muốn của doanh nhân trẻ “8X” là kết nối, mở rộng được thị trường tiêu thụ và quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. “Thấy nhiều người lao động quê mình bỏ lên Bình Dương tìm việc làm, chấp nhận ở trọ, làm việc vất vả để lo cho gia đình mà tôi thấy xót xa. Nếu có nhiều cơ sở ở quê để tạo việc làm tại chỗ cho họ, cuộc sống sẽ đỡ khó khăn hơn” - anh Thông bộc bạch.

Từ khi chế biến ra sản phẩm mới, anh Dương Quốc Thông đã tích cực đi kết nối thị trường tiêu thụ. Hiện nay, sản phẩm khoai môn sấy của Công ty TNHH SX-TM Gia Bảo đã vào được một số siêu thị, tiêu thụ khá ở miền Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Đợt dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của công ty sang Trung Quốc. Chúng tôi đang thiết kế lại bao bì bắt mắt hơn, củng cố thương hiệu và đẩy mạnh vào thị trường nội địa. Sản phẩm của công ty đã được bày bán trong Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc). Sắp tới đây, công ty sẽ tham gia cùng Siêu thị Tứ Sơn đi kết nối giao thương, đưa hàng Việt về nông thôn. Mong muốn của công ty là được tỉnh cho tham gia các hoạt động xúc tiến thị trường, kết nối giao thương rộng rãi để đưa sản phẩm An Giang vươn xa” - anh Thông kỳ vọng.

“Chúng tôi đang hỗ trợ Công ty TNHH SX-TM Gia Bảo sản phẩm OCOP hoàn tất các thủ tục, trình Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đánh giá, xếp loại sản phẩm khoai môn sấy. Khi được cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh, sản phẩm càng khẳng định uy tín, chất lượng để vươn ra thị trường” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng thông tin.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN