Mạnh dạn chuyển đổi
Dọc theo tuyến kênh G (xã Định Thành, Thoại Sơn), trong khi phần lớn diện tích là ruộng lúa mênh mông thì đã thấy xuất hiện những vườn cây ăn trái. Trong đó có vườn mãng cầu xiêm của gia đình Hồ Thanh Nam. Là thanh niên có nhiều trăn trở với nông nghiệp, nông thôn, sau khi tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn của Trường Đại học An Giang, Nam không đi làm cho công ty, nhà máy như những bạn bè đồng môn mà quyết định khởi nghiệp ngay trên mảnh đất gia đình. Được sự ủng hộ của ba mẹ, chàng trai sinh năm 1991 đã mạnh dạn cải tạo 17 công đất ruộng thành vườn trồng mãng cầu xiêm.
“Chi phí đầu tư khá lớn, khoảng 10 triệu đồng/công, bao gồm thuê máy cuốc lên liếp (tương đương 5 triệu đồng/công), đặt hệ thống ống dẫn nước tưới nhỏ giọt, mua mãng cầu giống ở Tiền Giang về trồng…” - Nam thông tin.
Chàng trai trẻ cho biết, mãng cầu xiêm sau khi xuống giống khoảng 2 năm là bắt đầu cho trái. Tuy nhiên, chỉ nên khai thác khi cây được trên 2,5 năm tuổi. Vườn mãng cầu xiêm của gia đình Nam hiện được 6-7 năm, đang cho trái khá ổn định. “Cũng như nhiều loại nông sản khác, giá mãng cầu xiêm thường lên xuống bất thường, phụ thuộc vào thương lái” - Nam trăn trở.
Sản phẩm trà mãng cầu
Một lần, có người đến vườn mãng cầu nhà Nam hỏi mua mãng cầu trái còn sống, nói là về xắt ra, phơi khô rồi nấu nước cho người nhà uống, giúp kiểm soát đường huyết. Nam thấy lạ, lên mạng tìm hiểu về công dụng, dược tính của trái mãng cầu, đặt mua sản phẩm trà mãng cầu về dùng thử. Sau đó, Nam nghiên cứu, chế biến ra trà mãng cầu ngay tại vùng nguyên liệu vườn nhà.
“Đó như một cơ duyên. Biết em có sản phẩm trà mãng cầu, chính người khách mua mãng cầu sống lúc trước quay trở lại ủng hộ thường xuyên. Khách hàng phản hồi rằng, khi dùng trà mãng cầu như một loại nước uống hàng ngày, giúp bệnh nhân tiểu đường ổn định lượng đường huyết. Trà mãng cầu cũng giúp người dùng có giấc ngủ sâu, tốt cho người bị cao huyết áp, đau dạ dày…”- Nam chia sẻ.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Cơ duyên với sản phẩm trà mãng cầu lại vô tình giúp ổn định đầu ra cho chính vườn mãng cầu nhà mình. Thay vì phụ thuộc vào thương lái, Nam tự “bao tiêu” lượng trái trong vườn để tập trung phát triển sản phẩm trà mãng cầu. Nhận thấy tiềm năng phát triển thị trường lớn nhưng 17 công mãng cầu của gia đình không đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu, Nam bắt đầu liên kết thu mua mãng cầu tại vườn của nông dân trên địa bàn huyện Thoại Sơn, gồm các xã: Vĩnh Trạch, Bình Thành, Thoại Giang, Vọng Đông… với diện tích khoảng 5,5ha.
“Em mua xô nguyên vườn với giá bình quân 10.000 đồng/kg. Bán giá này, nông dân có thu nhập ổn định bởi nếu bán cho thương lái, họ có thể mua từ 13.000-15.000 đồng/kg nhưng lựa trái tốt, mẫu mã đẹp, gai nở đều. Với những trái mãng cầu chưa đẹp về hình thức (màu vỏ nhạt, trái méo mó, bị sâu chút đỉnh trên thân vỏ…), giá bán chỉ 5.000-6.000 đồng/kg, nông dân không có lời” - Nam nói.
Hệ thống sấy năng lượng mặt trời được đầu tư 400 triệu đồng
Được sự hỗ trợ và khuyến khích của địa phương, cuối năm 2019, chàng trai trẻ Hồ Thanh Nam quyết định thành lập Cơ sở sản xuất - kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam. Sản phẩm được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc. Ngoài tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn An Giang, Nam đã xây dựng được đại lý phân phối ở Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, mở rộng đại lý ra TP. Hà Nội, lên Đắk Nông…
Chàng trai “9X” còn tận dụng facebook, zalo, kênh youtube để quảng bá, bán hàng, đồng thời đăng ký bán hàng qua các trang thương mại điện tử phổ biến như: Shopee, Tiki để đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng hiện đại. Ngoài sản phẩm chính là trà mãng cầu, Nam còn nghiên cứu chế biến sản phẩm mứt mãng cầu, cóc sấy dẻo.
“Với trà mãng cầu, em bán được 100-200kg/tháng. Với cóc sấy dẻo, em liên kết lên TP. Hồ Chí Minh bán được 200kg/tháng. Hiện nay, vùng nguyên liệu cóc không đủ để sản xuất. Em đang đặt vấn đề với nông dân trồng cóc Thái để cung cấp cho cơ sở” - Nam thông tin thêm.
Được sự hỗ trợ 200 triệu đồng của chương trình nông thôn mới tỉnh, Nam đã đối ứng 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống sấy năng lượng mặt trời, đạt công suất sấy 200-300kg nguyên liệu/ngày. Nam còn đầu tư máy rang trà với công suất 50-70kg/ngày, máy đóng hộp, đóng gói sản phẩm.
“Em đang xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng sạch, an toàn. Trong vườn, em để cỏ mọc tự nhiên để cân bằng hệ sinh thái; mãng cầu được bao trái để không bị côn trùng tấn công. Em nghiên cứu ngâm hột mãng cầu vào rượu để phun diệt sâu bệnh, thay thế thuốc hóa học; phân bón cây cũng thay bằng phân hữu cơ vi sinh. Em đã liên kết thiết kế được 2 vườn mãng cầu với nông dân theo hướng này, dự định sẽ mở rộng thêm trong thời gian tới” - chàng trai trẻ nhấn mạnh.
Dự án “Định hướng phát triển nâng cao giá trị trái mãng cầu xiêm” của Hồ Thanh Nam đã đạt giải ba tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III-2019, do Tỉnh đoàn tổ chức. Sản phẩm trà mãng cầu đang hoàn chỉnh hồ sơ để tham gia Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang năm 2020. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN