Câu chuyện về 2 địa phương được giải phóng sau cùng

28/04/2021 - 05:24

 - Tháng 4-1975, cùng với cả nước, quân và dân An Giang đứng lên đập tan ngụy quân, ngụy quyền, đánh đuổi quân xâm lược Mỹ, giải phóng quê hương, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đó là những ngày tháng lịch sử không thể nào quên của quân - dân tỉnh nhà. Chiều 2-5-1975, các huyện, thị xã của An Giang thuộc tỉnh Long Châu Hà được giải phóng hoàn toàn. Đến ngày 3-5, các huyện ở An Giang thuộc tỉnh Long Châu Tiền được hoàn toàn giải phóng. Chỉ riêng Phú Tân và Chợ Mới là 2 huyện được giải phóng sau cùng.

Tại huyện Phú Tân (An Giang), sau khi ngụy quyền tuyên bố đầu hàng, bọn tề xã và bọn chỉ huy ác ôn khống chế phòng vệ dân sự, tước vũ khí của các phân chi khu trang bị cho khoảng 2.000 bảo an quân để tử thủ trong các xã Phú Hòa, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, cù lao Tây... Chúng lấy Tổ đình và Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) làm điểm chỉ huy, tập trung bảo an quân và ngụy quân từ các nơi chạy về.

Trong tình hình rối loạn và phức tạp đó, lực lượng cách mạng tại chỗ quyết định phát động quần chúng đấu tranh giành quyền làm chủ. Ta cho người liên hệ với Tổ đình buộc phải giải tán bảo an quân, nộp vũ khí; dùng lực lượng quân sự để trấn áp bọn đầu sỏ ngoan cố. Chiều 1-5, ta đưa Tiểu đoàn 512B (mới thành lập chuẩn bị cho tổng công kích) qua cù lao Long Thuận, qua Phú An phối hợp với Tiểu đoàn 512 tiến về “Thánh địa”. Tiểu đoàn 512 từ Tân Châu tiến xuống Long Sơn, Phú Lâm, Phú An. Quân ta đối đầu bọn bảo an quân tại tuyến phòng thủ đầu tiên ở Phú Lâm, đánh chúng lùi về hướng Phú An. Đêm 1-5, lực lượng ta và địch nổ súng tại cây số 12 (Phú Lâm) cho đến sáng 2-5, phòng tuyến “tử thủ” này tan rã.

Ngày 3-5, bảo an quân tử thủ ra thông cáo số 6 đồng ý cho ta tiếp quản Tổ đình. Ta đồng ý tiếp xúc với điều kiện bảo an quân phải bỏ súng đầu hàng ở các xã, số còn lại cùng với chức sắc, chỉ huy bảo an quân các cấp phải tập trung về Tổ đình Đức giáo chủ PGHH trình diện. Phái đoàn cách mạng vào Tổ đình, trực tiếp gặp đại diện của PGHH vừa giải thích, vừa đấu tranh buộc họ phải giải giáp bảo an quân vô điều kiện. Cuối cùng, bảo an quân phải hạ vũ khí đầu hàng, tập hợp trình diện. Ngày 4-5, tàn quân và bảo an quân các xã Hưng Nhơn, Hiệp Xương đầu hàng, huyện Phú Tân được hoàn toàn giải phóng.

Thời điểm trên, huyện Chợ Mới đang thuộc phạm vi tỉnh Sa Đéc. Sau khi ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, lực lượng quân sự đủ sắc lính tập trung về Tây An Cổ Tự cùng khoảng 5.000 bảo an quân để tử thủ. Từ trưa 30-4 chúng tổ chức đốn cây, đào công sự, lập nhiều phòng tuyến ngăn chặn. Chiều 30-4, bộ đội địa phương huyện chia làm 2 cánh quân tiến về giải phóng huyện. Cánh thứ nhất tối đó về đến xã Hội An, tiếp thu các ấp vùng sâu. Phân chi khu và đồn bót ở ấp Thị thì bảo an quân đang chiếm giữ. Ta phát loa kêu gọi đầu hàng và nói về chính sách khoan hồng của cách mạng, nhưng chúng vẫn ngoan cố bắn súng rải rác vào các ấp ta mới tiếp thu. Trưa 1-5, Huyện ủy quyết định tấn công bằng quân sự. Chỉ vừa bắn pháo thăm dò trúng vào mục tiêu, bọn chúng đã vội vã tháo chạy về Tây An Cổ Tự. Ta giải phóng xã Hội An. Ở 3 xã cù lao Giêng, cơ sở xã cùng đảng viên địa phương vận động quần chúng nổi dậy giải phóng xã trong đêm 30-4.

Cánh thứ hai về tiếp quản xã Hòa Bình, đụng vào quân của Đảng Thanh Long, Huỳnh Hữu Nghĩa. Bị ta tấn công mạnh, chúng vứt súng chạy về An Thạnh Trung rồi về Tây An Cổ Tự. Trưa 2-5, Tỉnh ủy Sa Đéc điều 3 tiểu đoàn cùng 1 chi đoàn xe M113 chi viện cho Chợ Mới. Tại Tây An Cổ Tự, sau khi hình thành thế bao vây, ta phát loa kêu gọi đầu hàng. Sáng 3-5, hơn 1.500 tên kéo ra hàng, một số vứt súng, cải trang chạy về xã Nhơn Mỹ.

Sau 4 ngày liên tục bao vây tấn công bằng 3 mũi quân sự, chính trị, binh vận, ngày 5-5 phần đông ngụy quân và bảo an quân co cụm lại ở các xã Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông. Để tạo áp lực mạnh hơn, ta cho 2 máy bay L19 lên quần đảo trên trời. Hàng ngũ địch rối loạn, hoang mang, hơn 3.000 bảo an quân còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Đúng 8 giờ ngày 6-5, ta chiếm được Tây An Cổ Tự, huyện Chợ Mới hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, đến ngày 6-5-1975, tất cả địa phương của An Giang được giải phóng, cùng cả nước kết thúc chặng đường kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, bước vào thời kỳ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

GIA KHÁNH