"Cầu nối" thể thao Việt Nam - Ấn Ðộ

17/02/2021 - 07:58

Việt Nam và Ấn Ðộ có mối quan hệ gắn bó truyền thống từ nhiều năm qua trên các lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực thể thao, những năm gần đây, môn võ Vovinam (Việt võ đạo) đã phát triển mạnh mẽ ở nước bạn với nhiều câu lạc bộ được thành lập, thu hút khá đông người tập luyện.

VOVINAM được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Việt Nam năm 1938 như một phương pháp tự vệ hiệu quả. Về lý thuyết, đây là môn võ dựa trên nguyên lý giữa cương và nhu, mặc dù kỹ thuật cương và nhu được sử dụng như nhau để thích ứng các tình huống khác nhau. Nhìn chung, Vovinam hướng đến mục tiêu phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào lòng khoan dung và độ lượng như thể hiện trong động tác chào "bàn tay sắt, tấm lòng nhân hậu" của Vovinam. Trong các môn võ của nước ta, Vovinam được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới, trong đó có Ấn Ðộ.

Các võ sinh tham dự Giải vô địch Vovinam Ấn Ðộ năm 2020.

Có trụ sở tại Lúc-nâu, bang U-ta Pra-đét, Hiệp hội Vovinam Ấn Ðộ được thành lập vào năm 2009. Theo Tổng Thư ký của hiệp hội Pra-vên Gác, Vovinam hiện đã có mặt ở 25 trong số 28 bang của Ấn Ðộ. Môn võ này cũng được đưa vào các môn học học đường và đã tổ chức 10 giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên, theo ông P.Gác, việc công nhận Vovinam là một môn thể thao cấp quốc gia chính thức vẫn đang chờ Bộ Thể thao Ấn Ðộ xem xét. Và một khi có được điều đó, Vovinam có thể trở thành môn thể thao võ thuật lớn tiếp theo ở Ấn Ðộ. Mặc dù Vovinam xuất hiện ở Ấn Ðộ chỉ hơn 10 năm nhưng đã phát triển với tốc độ nhanh hơn các môn thể thao võ thuật khác. Thêm vào đó, Vovinam rất phù hợp cho phụ nữ Ấn Ðộ rèn luyện khả năng tự vệ, với kỹ thuật đòn chân cũng như sử dụng vũ khí tiến công như dao.

Tại Ðại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 ở Ðà Nẵng, Ấn Ðộ đã giành được một Huy chương bạc đơn nữ ở nội dung Long Hổ quyền của Vovinam nhờ công của VÐV Ðê-pa Ga-uên. Ở nội dung này, Ðê-pa đã thua Ma-ních Tri-xna của In-đô-nê-xi-a, trong khi đứng thứ ba là các vận động viên của Việt Nam và Nhật Bản.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Ấn Ðộ Vi-xu Xa-hai, thành công ở Ðại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 giúp các vận động viên Ấn Ðộ tự tin và theo đuổi nhiều hơn việc học Vovinam. Chẳng thế mà năm 2018, Hiệp hội Vovinam Ấn Ðộ có cơ hội giao lưu và biết đến Viện Nghiên cứu Vovinam và Phát triển thể thao (IVS) của Việt Nam do võ sư Phạm Quang Long thành lập năm 2009. Họ đã học hỏi mô hình này để áp dụng tại Ấn Ðộ, trong đó ưu tiên hàng đầu là giáo dục tập thể và xây dựng nhân cách cho trẻ em.

Hiện nay, trung tâm Vovinam mạnh nhất của Ấn Ðộ nằm ở bang miền đông bắc Ma-ni-pua. Tại Giải vô địch quốc gia lần thứ 10 năm 2020, đoàn Ma-ni-pua giành chức vô địch toàn đoàn với 38 Huy chương vàng và tám Huy chương bạc.

Rõ ràng, nếu có một sản phẩm văn hóa Việt Nam có thể được thể hiện rõ nhất trên nước bạn Ấn Ðộ và được nhiều người đón nhận thì đó chính là Vovinam. Trên thực tế, cũng giống như yoga đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, Vovinam có thể có ảnh hưởng tương tự ở Ấn Ðộ nếu môn thể thao này được hỗ trợ và quảng bá đúng cách. Và Vovinam cũng sẽ là một kênh hữu ích để nhân dân Ấn Ðộ biết đến Việt Nam nhiều hơn. Hiện Vovinam đang được quảng bá trong các trường học của Ấn Ðộ và đây sẽ là cơ hội để thế hệ trẻ làm quen với Việt Nam, rồi sau này khi lớn lên, chúng có thể là những người thúc đẩy mối quan hệ Ấn Ðộ - Việt Nam trong tương lai.

Ðiều đó sẽ dẫn đến mối quan hệ hữu cơ, giao lưu nhân dân và văn hóa lâu dài giữa nhân dân hai nước. Ðồng thời, mở đường cho hợp tác thương mại, du lịch, kinh doanh và chiến lược hai chiều lớn hơn. Do vậy, để thúc đẩy quan hệ chiến lược Ấn Ðộ - Việt Nam, hãy coi giao lưu nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Và Vovinam, giống như yoga, chắc chắn có thể là cầu nối hiệu quả.

Theo MẠNH HÀO (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích