Có cầu, vẫn ủng hộ… phà
Vui mừng khi cầu Vàm Cống đã khánh thành nhưng anh Nguyễn Ngọc Hùng (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) vẫn bứt rứt khi phải mua vé qua trạm BOT T2. “Đi công tác ở Vĩnh Long, nghe tin cầu Vàm Cống thông xe, tôi quyết định chạy vòng qua Đồng Tháp để được đi trên chiếc cầu mới về TP. Long Xuyên. Tâm trạng rất vui khi thấy cầu được xây to, đẹp nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu khi vừa qua ngã ba lộ tẻ Rạch Giá, rẽ vào Quốc lộ 91 đã gặp ngay trạm BOT T2 chắn ngang. Nhân viên yêu cầu mua vé, tôi hỏi tiền gì, anh ta nói là phí đi qua Quốc lộ 91. Thế là mất toi 35.000 đồng khi mà chỉ đi qua Quốc lộ 91 chưa tới 150m” - anh Hùng bức xúc.
Xe qua cầu Vàm Cống không tốn phí
Để phản đối trạm BOT T2, anh Hùng cho biết, anh sẽ tiếp tục ủng hộ phà Vàm Cống. “Tôi chạy về Long Xuyên, thấy phà Vàm Cống vẫn còn hoạt động. Thử làm phép tính như sau: đi cầu Vàm Cống mất 18 phút, đi phà Vàm Cống mất 30 phút. Tuy nhiên, đi vòng qua cầu xa hơn đi phà 11km, sẽ thiệt hại như sau: 11km tốn thêm 0,9 lít xăng (xe tôi đi 100km khoảng 8 lít xăng), với giá xăng hơn 21.000 đồng thì tốn thêm 19.000 đồng. Với xe 7 chỗ, vé qua phà Vàm Cống là 25.000 đồng, trong khi qua trạm BOT T2 là 35.000 đồng, cao hơn 10.000 đồng. Như vậy, đi cầu dù nhanh hơn 10 phút nhưng thiệt thêm gần 30.000 đồng, cộng chiều trở lại là 60.000 đồng. Mỗi tháng, tôi đi công tác 6 lượt, vậy mất hết 360.000 đồng, 1 năm tốn thêm khoảng 4,3 triệu đồng nếu chọn đi cầu thay cho đi phà. Số tiền chênh lệch này là không nhỏ, chưa kể thà bỏ tiền qua phà Vàm Cống thấy xứng đáng, còn trả tiền qua trạm BOT T2 quá tào lao” - anh Hùng lý giải. Trên các diễn đàn về ôtô, vận tải, đa phần tài xế đề nghị nên tiếp tục giữ lại phà Vàm Cống để “các nhà xe và anh em lái xe nhờ”.
“Dẹp trạm BOT T2 là hợp lý”
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân khẳng định như thế và cho biết, sẽ tiếp tục kiên trì với kiến nghị này. “Trước đây, trạm BOT T2 chủ yếu ảnh hưởng đến các phương tiện đi tuyến Rạch Giá (Kiên Giang) mà lượng xe đi tuyến này không quá nhiều nên tác động chưa lớn. Chúng tôi đã đăng ký cho 7.126 phương tiện giảm giá 50% và 430 xe miễn phí 100% khi qua trạm. Tuy nhiên, khi cầu Vàm Cống thông xe, các phương tiện từ An Giang đi TP. Hồ Chí Minh đều phải mua vé qua trạm BOT T2 thiệt hại là rất lớn” - ông Xuân chia sẻ.
Nhưng lại phải mua vé qua trạm T2
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang cho biết, để giảm thiệt thòi cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện, đơn vị vẫn tiếp tục tiếp nhận danh sách phương tiện đăng ký để được giảm phí 50% khi qua trạm BOT T2. Về lâu dài, vẫn phải kiên trì đấu tranh để dẹp bỏ trạm thu phí bất hợp lý này. “Hiệp hội đã nhờ luật sư tư vấn để viết kiến nghị có yếu tố pháp lý đầy đủ hơn. Đồng thời, tiếp tục đề xuất UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Chính phủ can thiệp” - ông Xuân thông tin.
Trường hợp đơn vị quản lý vẫn không chịu dẹp trạm BOT T2 thì Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang đề xuất các phương tiện chỉ trả phí đúng theo quãng đường sử dụng. “Đoạn Quốc lộ 91 nâng cấp dài 45km, mục đích của trạm BOT T2 là thu phí cho đoạn nâng cấp này. Các phương tiện đi Kiên Giang và qua phà Vàm Cống chỉ sử dụng có 150m tuyến đường nâng cấp, cứ cho là tính trên 1km đi. Như vậy, các phương tiện phải trả phí bằng 1/45 mức phí toàn tuyến. Ví dụ như vé qua trạm là 45.000 đồng, các phương tiện đi cầu Vàm Cống chỉ phải trả 1.000 đồng khi qua trạm” - ông Xuân nhấn mạnh.
Đối với đề nghị của các doanh nghiệp, chủ phương tiện về việc giữ lại phà Vàm Cống, ông Xuân cho rằng, đề nghị này là phù hợp. “Trên cùng một loại phương tiện thì mua vé qua trạm BOT T2 cao hơn qua phà Vàm Cống từ 10.000 - 40.000 đồng. Đối với các phương tiện đi TP. Hồ Chí Minh thường xuyên thì mức chênh lệch là rất lớn” - ông Xuân phân tích.
“An Giang là tỉnh còn khó khăn, thu chưa đủ bù chi nhưng lại thiệt thòi đủ thứ. Cầu Vàm Cống thông rồi, các phương tiện từ Kiên Giang, Cần Thơ đều được qua cầu miễn phí nhưng An Giang vẫn phải mua vé qua trạm BOT T2. Cầu Vàm Cống được đầu tư gần 5.500 tỷ đồng lại không thu phí nhưng sử dụng có 150m Quốc lộ 91 lại phải trả tiền thì hỏi sao không bức xúc” - ông Nguyễn Ngọc Xuân nhận xét. |
NGÔ CHUẨN