“Gia đình tôi bức xúc trước tình trạng máy dẫn dụ chim yến phát âm thanh từ sáng đến tối, bất kể ngày đêm, làm ba tôi mất ngủ, từ đó ngã bệnh. Chẳng những thế, nơi phơi quần áo ngoài sân đầy phân chim, phải giặt đi giặt lại nhiều lần, rất phiền phức” - bà Trần Thị Lan (xã Bình Mỹ, Châu Phú) bức xúc. Phong trào nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển mang tính tự phát cách đây nhiều năm. “Nhà ai ở gần nhà nuôi chim yến sẽ thấy hệ lụy của vấn đề. Nếu có dịch bệnh làm sao ngăn chặn khi chúng bay trên trời. Nuôi chim yến nhưng không tuân thủ quy hoạch, tiếng ồn gây phiền phức cho nhiều hộ dân lân cận. Các hộ nuôi chim yến chưa bị sự điều chỉnh của pháp luật và nếu có xảy ra tranh chấp chỉ dừng lại ở khâu hòa giải” - ông Nguyễn Văn Vệ (xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) bức xúc. Nhà nuôi chim yến hiện nay đang bao vây trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa lịch sử. Đặc biệt, ở các đô thị đông dân cư như TP. Long Xuyên, mật độ xây nhà nuôi chim yến dày đặc, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cộng đồng.
Nhà nuôi chim yến bao vây Trường THCS Lý Thường Kiệt
Trước thực trạng trên, ngày 3-10-2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã ký ban hành Công văn số 1069/UBND-KTN chỉ đạo chấn chỉnh ngay việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh cũng như công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, môi trường và phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo mỹ quan đô thị, tiếng ồn… để ngành này phát triển bền vững. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện một số nội dung như: tiến hành rà soát ngay các hộ, cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn đặc biệt nhà nuôi chim yến nằm trong nội thành, nội thị để có báo cáo, đề xuất hướng chấn chỉnh và gửi báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 19-10-2018. Các địa phương chỉ đạo phòng chuyên môn, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, môi trường, quy hoạch đô thị. Kiểm soát, xử lý những trường hợp xây dựng trái phép, chuyển đổi công năng sai với thiết kế được phê duyệt hoặc phát âm thanh dẫn dụ với cường độ lớn, gây tiếng ồn không đúng quy định. “Việc UBND tỉnh ra văn bản chấn chỉnh nghề nuôi chim yến, tôi cho đây là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu không chấn chỉnh, dư luận cho rằng pháp luật không nghiêm, bởi xin phép xây dựng nhà ở để rồi quá trình ấy, lại cơi nới, lắp đặt thiết bị để nuôi chim yến, như vậy đã “qua mặt” cơ quan chức năng” - ông Nguyễn Văn Vệ (xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) bức xúc.
Toàn tỉnh hiện có 300 nhà nuôi chim yến
Bên cạnh việc chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng quy định quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh (dựa trên các quy định Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh) để trình UBND tỉnh ban hành trong năm 2018. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chuyên môn cấp huyện, theo dõi quản lý việc nuôi chim yến, tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường. Sở Xây dựng hướng dẫn các quy định có liên quan đến việc xây dựng nhà nuôi chim yến. Phối hợp với sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về xây dựng nhà nuôi chim yến…
“Từ sự việc nhà nuôi chim yến bao vây trường học xảy ra ở Trường THCS Lý Thường Kiệt (khóm Bình Long 2, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), chúng tôi cùng chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc họp, mời các hộ dân có nhà nuôi chim yến đến để vận động bà con chuyển từ thiết bị phát âm thanh ra loa sang sử dụng thiết bị sóng siêu âm cho đỡ ảnh hưởng các hộ lân cận, để không làm ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân xung quanh” - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Trần Tiến Hiệp thông tin. |
Bài, ảnh: MINH HIỂN