Chàng trai không tay và ước mơ có thật

24/11/2020 - 06:19

 - 28 năm từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, có việc làm ổn định và xây dựng được tổ ấm đơn sơ là một hành trình dài và nỗ lực phi thường của chàng trai không tay Nguyễn Minh Trí (sinh năm 1992, quê ấp Tây An, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang). Em đã viết nên câu chuyện “cổ tích” có thật giữa đời thường và là tấm gương sáng cho biết bao hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật như em noi theo.

Trí đang làm cho một công ty ở Bình Dương

Còn nhớ ngày nào chúng tôi dõi theo từng bước chân của em đến với kỳ thi THPT và tuyển sinh vào Trường Đại học An Giang (ĐHAG) trong năm 2013. Em làm chúng tôi vô cùng lo lắng vì với đôi chân cầm viết làm sao có thể viết lưu loát bài thi môn Ngữ văn, giải Toán bằng máy tính. Vậy mà em đã không làm cha mẹ, thầy cô, bạn bè thất vọng khi trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin (Trường ĐHAG). Những năm học xa nhà, với một chàng trai không tay, xuất thân từ gia đình nghèo khó, cha mẹ chỉ đi làm thuê, làm mướn quả là điều không dễ.

Trí nhớ lại: “Từng cái khó nối tiếp nhau như sự thách thức tinh thần, tính kiên trì và nghị lực sống của bản thân. Từ lúc 10 tuổi em mới bắt đầu học lớp 1, em tập viết bằng các ngón chân, em giúp cha bơi xuồng, em tập bơi lội, làm những việc lặt vặt phụ giúp cha mẹ để họ vơi bớt những nhọc nhằn sau một ngày làm thuê, mướn vất vả. Đến khi trở thành sinh viên, em học cách tự chăm sóc bản thân, nấu ăn, giặt giũ, thao tác bằng các ngón chân trên máy tính bảng, laptop. Dù đôi lúc tủi thân, mặc cảm về số phận không được lành lặn nhưng em đã mau chóng vượt qua cảm xúc ấy. Bởi, xung quanh em luôn có gia đình, bạn bè, thầy cô, các tổ chức, nhà tài trợ, tấm lòng nhân ái luôn từng ngày quan tâm, giúp đỡ để em được học hành đến nơi đến chốn. Em muốn nói lên lời cảm ơn tận đáy lòng đến với tất cả mọi người đã dành tình cảm tốt đẹp cho em”.

Cha nuôi và gia đình chung tay tổ chức lễ cưới cho vợ chồng Trí

Chính nghị lực phi thường của chàng trai không tay Nguyễn Minh Trí đã là tấm gương sáng, làm lay động trái tim bao bạn trẻ khi họ biết đến tấm gương vượt khó của em. Trong đó có cô sinh viên trẻ Kim Thị Bích Tiền (quê ở TX. Tân Châu) học ngành sư phạm mầm non. Từ cái duyên là bạn chung phòng ký túc xá với cô bạn thời phổ thông của Trí, Tiền và Trí đã kết bạn, tìm hiểu nhau, nảy sinh tình cảm và quyết định cùng nhau đi trên đường đời. Sau khi ra trường, Trí lên TP. Hồ Chí Minh, thông qua các Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật đã tìm được việc làm.

Sau đó, Trí quyết định gắn bó với một công ty ở Bình Dương. Lúc bấy giờ, Tiền cũng nộp đơn và trúng tuyển vào một trường mầm non tại Bình Dương. Đôi bạn trẻ chăm chỉ đi làm, chi tiêu nhín nhút nhưng cũng không dư dả nơi đất khách quê người, do vậy ước mơ về một đám cưới dù đơn sơ nhưng cũng thật xa vời. May mắn thay từ đầu năm nay, ông chủ quán bún bò Lâm Kim Hùng ở Biên Hòa (Đồng Nai) vì thương cảm tấm gương vượt khó của Trí đã tìm đến nhận Trí làm con nuôi. Những tưởng em còn đi học, người cha nuôi ngỏ ý chăm lo cho em tiếp tục thực hiện ước mơ, hỏi ra mới hay em đã có việc làm ổn định. Do vậy, cha đã giúp em thực hiện ước mơ của mình bằng việc đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ.

“Đám cưới đã diễn ra hơn 1 tháng nhưng em cứ ngỡ không phải là sự thật. Em không ngờ chúng em lại có được giây phút hạnh phúc bên nhau sau bao năm mong đợi. Từ đây, cuộc sống của chúng em sang trang mới, hành trình mới. Em biết rằng, đường đời phía trước, cuộc sống gia đình sắp tới sẽ còn những lo toan, vất vả nên em sẽ không tự hài lòng với những gì đang có. Em sẽ nỗ lực thật nhiều để vun vén, chăm lo tổ ấm của mình. Đồng thời, cố gắng làm tốt công việc hiện tại, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để trả ơn cho cuộc đời bằng những cống hiến, đóng góp thiết thực”- Trí tâm huyết.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG