Chàng trai mê điện gió!

11/07/2019 - 07:22

 - Xuất phát từ niềm đam mê năng lượng sạch, chàng thanh niên Phan Hữu (ngụ thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) đã chế tạo ra hệ thống phát điện từ gió và đưa vào ứng dụng thực tế trong gia đình. Hiện nay, hệ thống điện gió này đang phát huy tác dụng, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng trong gia đình Phan Hữu.

Là phóng viên Đài Truyền thanh huyện Tịnh Biên, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Phan Hữu còn có niềm đam mê đặc biệt đối với năng lượng sạch. Hiện tại, thanh niên này đang có thêm “nghề tay trái” là nhận lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho những gia đình, cơ sở có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, Phan Hữu còn nghĩ đến việc phải tạo ra điện từ gió, thứ năng lượng thiên nhiên vô tận luôn hiện hữu ở vùng Bảy Núi.

Bánh xe đạp điện cũ là “trái tim” trong hệ thống điện gió của Phan Hữu

Từ nguồn thông tin trên internet, Phan Hữu tự mày mò những kiến thức về điện gió. Tất nhiên, mục tiêu của chàng trai này không phải là tạo ra một nhà máy điện gió, mà tận dụng thiên nhiên để làm ra năng lượng sạch, phục vụ đời sống của hộ gia đình. Do không có kiến thức chuyên môn về điện cơ, Phan Hữu gặp rất nhiều khó khăn bước đầu. Sau nhiều lần “chạy ra, chạy vô” các cơ sở hàn tiện để chế tạo cánh quạt, Phan Hữu cũng có được một chiếc tua-bin ưng ý để làm hệ thống điện gió.

“Lúc đầu, những người thợ không hiểu ý, họ làm sai nhiều lần nên tôi mất rất nhiều công sức. Rồi thành công cũng đến, chiếc tua-bin công suất 500W hoạt động khá tốt, tạo nên nguồn điện đúng như tính toán của tôi. Thay vì những cánh quạt khổng lồ sẽ tạo ra điện cho nhà máy thì mình chỉ làm cánh quạt có độ cao khoảng 6m đủ để tạo nguồn điện phục vụ cho gia đình. Từ khi đưa vào sử dụng, hệ thống điện gió này hoạt động khá tốt và có thể cung cấp 40% nhu cầu điện trong gia đình tôi” - Phan Hữu cho biết.

Cánh quạt mi-ni này có thể thắp sáng được bóng đèn lộ nông thôn

Cấu tạo hệ thống điện gió của Phan Hữu khá đơn giản, chủ yếu là 1 bánh xe đạp điện cũ giá vài trăm ngàn đồng, 1 bộ chuyển đổi năng lượng và tua-bin tự chế đã có thể tạo ra nguồn điện. Phan Hữu thông tin, bánh xe đạp điện chính là “trái tim” của cả hệ thống, bởi khi nó vận hành sẽ tạo ra dòng điện. “Thay vì dùng lực đạp để bánh xe quay tạo ra điện, thì chính cánh quạt sẽ làm thay chuyện đó. Ở vùng núi mùa mưa thường có gió lớn nên cánh quạt hoạt động thường xuyên nên nguồn điện khá dồi dào. Sẽ có một bình ắc-quy tích điện để phục vụ cho gia đình. Nếu như hệ thống điện mặt trời có giá từ 20 triệu đồng trở lên thì chi phí cho hệ thống điện gió của tôi chỉ vài triệu đồng” - Phan Hữu phân tích.

Cũng theo Phan Hữu, nếu muốn đủ năng lượng sử dụng cho các thiết bị “hút điện” trong nhà như: máy lạnh, tủ lạnh thì người dùng có thể lắp nhiều tua-bin cho hệ thống. Như vậy, chi phí đầu tư không tăng bao nhiêu nhưng giá trị kinh tế cũng như hiệu năng sử dụng được cải thiện đáng kể. Hệ thống điện gió này rất hữu hiệu cho những hộ dân sống ở vùng cao hoặc những nơi mà điện lưới quốc gia chưa phủ đến.

Phan Hữu thường lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hộ gia đình và cơ sở kinh doanh

Dự kiến, Phan Hữu sẽ lắp đặt hệ thống điện gió miễn phí cho 2 hộ dân chưa có điện sử dụng tại xã Núi Voi (Tịnh Biên) trong Mùa hè tình nguyện năm 2019. Ngoài việc sử dụng bánh xe đạp điện, Phan Hữu đang thử nghiệm sử dụng motor máy giặt để tăng khả năng tạo ra dòng điện. Đồng thời, chàng trai này còn nghiên cứu các tua-bin mi-ni đủ để tạo ra dòng điện thắp sáng các bóng đèn đường. Nếu thành công thì đây có thể là phương án tiết kiệm điện chiếu sáng lộ giao thông khá hiệu quả.

Với việc phát triển nguồn điện từ sức gió, Phan Hữu là tiêu biểu cho những thanh niên đam mê học hỏi và thực hiện những ý tưởng sáng tạo hữu ích vì cuộc sống. Do đó, cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên này tiếp nối, phát triển niềm đam mê điện gió hướng đến việc phục vụ tốt cộng đồng.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích