Các đại biểu dự lễ
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi phát biểu ôn lại tiểu sử của tiến sĩ Phạm Văn Bạch
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi lễ
Ông Phạm Minh Tiến, đại diện thân nhân tiến sĩ Phạm Văn Bạch, cố Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gởi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh An Giang và TP. Châu Đốc
Các đại biểu thực hiện nghi thức mở bia tiểu sử và đặt tên đường mới tiến sĩ Phạm Văn Bạch
Lãnh đạo TP. Châu Đốc thực hiện nghi thức mở bia tiểu sử và đặt tên đường mới Phùng Văn Cung
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã đến dự.
Cùng dự lễ có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và đại diện lãnh đạo 25 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trong cả nước; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang; lãnh đạo các sở, ngành, tỉnh, ban ngành, đoàn thể, nhân dân TP. Châu Đốc.
Ngày 13/7/2023, HĐND tỉnh An Giang đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-HĐND về việc đặt tên đường trên địa bàn TP. Châu Đốc. Cụ thể, đổi tên đường Vòng Núi Sam (dài gần 5km, phường Núi Sam) thành đường Phạm Văn Bạch; đổi tên đường số 1 và số 7, khu dân cư hành chính phường Vĩnh Mỹ thành đường Phùng Văn Cung.
Tiến sĩ Phạm Văn Bạch (sinh ngày 18/6/1910, tại ấp Long Đức, xã Trà Nhiêu Thượng, tỉnh Trà Vinh), cha ông là ông Phạm Văn Hãnh, người làng Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ kết nạp đồng chí Phạm Văn Bạch vào Đảng Lao động Việt Nam. Tiến sĩ Phạm Văn Bạch được cử giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ khi thành lập đến khi ông nghỉ hưu.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, tiến sĩ Phạm Văn Bạch được Đảng và nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu Kháng chiến Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”; Bằng khen hạng Nhất của Ủy ban Trung ương MTTQVN; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Ba; Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…
Bác sĩ Phùng Văn Cung (sinh ngày 15/5/1909, tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, quận Long Châu (huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, nay là khóm 1, phường 9, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1957, chính quyền Sài Gòn mời ông làm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Châu Đốc. Cuối năm 1958, ông lên Sài Gòn làm Giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi). Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng, bác sĩ Phùng Văn Cung được Đảng, nhà nước giao cho đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, việc đặt tên đường nhằm ghi nhận công lao của tiến sĩ Phạm Văn Bạch, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đầu tiên của Việt Nam và bác sĩ Phùng Văn Cung, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng. Qua đó, thể hiện sự tôn vinh, tri ân với các bậc tiền nhân; sự trân trọng những giá trị lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang nói chung, TP. Châu Đốc nói riêng, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Châu Đốc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
THU THẢO