Chào mừng thị trấn Cô Tô

03/02/2021 - 06:10

 - Từ một xã vùng núi, dân tộc còn nhiều khó khăn, Cô Tô đã vươn mình trở thành thị trấn năng động, nằm trong tiểu vùng phát triển kinh tế phía Tây của huyện Tri Tôn (An Giang).

Lễ công bố thành lập thị trấn Cô Tô

Niềm vinh dự lớn

Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tri Tôn vừa tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1107/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị trấn Cô Tô, thuộc huyện Tri Tôn. Đây là niềm vinh dự lớn, là mong mỏi lâu nay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cô Tô. Kết quả này là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tại vùng đất từng là căn cứ cách mạng, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Quyết định số 738-QĐ/CTN ngày 28-5-2010).

Trước khi được công nhận thị trấn, Cô Tô đã phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, bên cạnh lợi thế nông nghiệp (đất nông nghiệp chiếm 3.201,34ha, đất lâm nghiệp chiếm 346,32ha trong tổng diện tích tự nhiên 4.232,05ha của Cô Tô). Trong tổng dân số 2.680 hộ với 9.567 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm 38%. Khi đô thị Cô Tô phát triển, cũng tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cô Tô Lộ Vinh Huy cho biết, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của huyện Tri Tôn, địa phương đã vận động nhân dân cùng đồng tâm phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tiến tới được công nhận thị trấn. Trong lĩnh vực kinh tế, địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp để đi vào hoạt động chợ Cô Tô với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng.

Toàn thị trấn đã phát triển được 174 cơ sở dịch vụ, 578 cơ sở sản xuất - kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; phát huy thế mạnh khai thác, chế biến, kinh doanh đá… Để phát triển du lịch, Cô Tô đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh, cải tạo cảnh quan cây Dầu Rái trên 700 tuổi.

Thời gian qua, Cô Tô đã tổ chức mở mới, nâng cấp, sửa chữa, bê-tông hóa 9 đường giao thông nông thôn với chiều dài 1.900m, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; gắn đèn chiếu sáng 2 tuyến đường chính trị giá 270 triệu đồng; xây dựng trụ sở Công an xã, 4 văn phòng khóm, công viên, hàng rào các điểm trường học, cất mới 14 cây cầu với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng. Địa phương còn vận động và được hỗ trợ cất mới 50 căn nhà Đại đoàn kết (tổng kinh phí gần 1,42 tỷ đồng), 38 căn nhà Tình thương cho hộ nghèo (tổng số tiền 762 triệu đồng).

Thời gian qua, công tác huy động học sinh hàng năm đạt 96% trở lên, tỷ lệ hoàn thành chương trình các cấp học hàng năm đạt 100%. Toàn xã hiện có 2.337 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (chiếm 83,3% số hộ dân). Cùng với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, Cô Tô còn đầu tư xây dựng mới trạm y tế, nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Thúc đẩy phát triển

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình của Cô Tô đạt hơn 48 triệu đồng; tỷ hộ sử dụng điện đạt 99,18%; gần như toàn dân đều tham gia bảo hiểm y tế. Đến nay, tất cả 6/6 khóm của thị trấn Cô Tô đều được UBND huyện Tri Tôn công nhận đạt chuẩn khóm văn hóa. Trên truyến Tỉnh lộ 943 ngang qua trung tâm thị trấn Cô Tô (đoạn từ cầu kênh 15 đến ngã ba về xã Ô Lâm và đoạn từ UBND thị trấn đến ngã tư chùa Sóc Triết) được lắp đặt hệ thống đèn hoa sáng rực. Các khóm: Tô Lợi, Sóc Triết, Tô An, Huệ Đức… được lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại ban đêm và phòng, chống tội phạm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, dù còn những khó khăn nhất định nhưng Cô Tô có vị trí thuận lợi, có hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trong tỉnh và tỉnh Kiên Giang. “Cô Tô nằm trong quy hoạch chiến lược đô thị hóa của tỉnh An Giang, được định hướng là điểm nhấn kết nối góp phần hình thành trục đô thị An Tức - Ô Lâm - Cô Tô - Tân Tuyến và Châu Lăng - Tri Tôn - Núi Tô - Cô Tô. Cô Tô còn có vị trí thuận lợi đến các vùng du lịch nổi tiếng của An Giang, như: Óc Eo, núi Sập, núi Cấm, Tịnh Biên, núi Sam, Châu Đốc… Trong tương lai, Cô Tô sẽ có vai trò ảnh hưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội lan tỏa đến các xã trong huyện Tri Tôn nói riêng và cả vùng Bảy Núi nói chung” - ông Lê Văn Phước nhận xét.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cô Tô phát huy kết quả và thành tích đạt được, tiếp tục viết vào trang sử vẻ vang mà địa phương đã tạo dựng nên, tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng thị trấn Cô Tô vững mạnh toàn diện, văn minh đô thị.

“Thị trấn cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả hơn trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao những tiêu chí đạt được của một thị trấn, đồng thời tập trung lãnh, chỉ đạo, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài thị trấn để tạo ra những đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, cảnh quan môi trường. Thị trấn cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề; phòng ngừa dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe nhân dân; làm tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

Thị trấn Cô Tô được thành lập trên cơ sở toàn bộ 42,45km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.567 người của xã Cô Tô. Thị trấn Cô Tô có 6 khóm, tiếp giáp với các xã: Núi Tô, Ô Lâm, Tà Đảnh, Tân Tuyến (Tri Tôn) và tỉnh Kiên Giang.

 

NGÔ CHUẨN