Tập huấn công tác dư luận xã hội và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhằm từng bước lành mạnh hóa môi trường mạng, Đảng, nhà nước, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường quản lý thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật; đặc biệt xác lập rõ vai trò, trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) xử lý một số nhà báo phát ngôn thiếu trách nhiệm và chuẩn mực trên mạng xã hội; phối hợp công an xử lý đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia.
Tiêu biểu như phát hiện và xử lý gần 1.800 vụ tung tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020, 2021. Đã xử phạt, yêu cầu google đóng nhiều kênh youtube của người dùng trong, ngoài nước có nội dung vi phạm pháp luật; chủ động đàm phán, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới lớn.
Từ đầu năm 2017 đến nay, facebook, google, tiktok ngăn chặn, gỡ bỏ hàng ngàn nội dung vi phạm trên mạng xã hội theo yêu cầu của Bộ TT&TT (tỷ lệ đáp ứng lên trên 90%), nhất là trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam năm 2021. Các nhãn hàng, công ty quảng cáo lớn trong nước đều thực hiện đúng cam kết với Bộ TT&TT, không quảng cáo trên video clip, tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật, trên trang web vi phạm bản quyền.
Các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền đậm nét kết quả đã đạt được, phê phán hành vi sai phạm khi sử dụng mạng xã hội, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet và mạng xã hội để chống phá Đảng, nhà nước của các thế lực thù địch. Làm rõ hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật của các trang mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Nhờ đó, không gian mạng ngày càng lành mạnh, an toàn hơn, tỷ lệ thông tin tiêu cực giảm rõ rệt.
Đã có nhiều quy định pháp luật để quản lý môi trường mạng, điển hình là Luật An ninh mạng; Quyết định 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ TT&TT về việc ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”, với quy định chi tiết, rõ ràng. Bộ quy tắc nêu rõ, người dùng mạng xã hội nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; chia sẻ thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; hành vi, ứng xử phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng ngôn từ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải phối hợp xử lý, ngăn chặn và loại bỏ nội dung vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.
Bộ quy tắc đề xuất công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, cơ quan đang công tác. Đồng thời, phải ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính. Chia sẻ thông tin khách quan, trung thực, công bằng; không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội, không được ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội, trái với chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên không gian mạng, cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội để chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực, phản bác thông tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang qua mạng xã hội. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải trở thành chiến sĩ xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng thời, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; tăng cường số lượng, chất lượng chương trình, bài viết tuyên truyền, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp tốt giữa “xây” và “chống”. Chủ động lan tỏa thông tin tích cực trên báo chí và internet; nghiêm túc, quyết liệt đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, để báo chí cách mạng thực sự là “vũ khí sắc bén” trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”, bảo vệ chính nghĩa, đồng hành với lẽ phải, lên án cái xấu, cái ác, chống lại nhận thức, hành động sai trái, phi nghĩa.
H.C