
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, trước thềm cuộc bầu cử diễn ra ở Đức vào ngày 23/2, các nhà ngoại giao từ khắp lục địa đang âm thầm theo dõi từng diễn biến tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Họ xuất hiện tại các sự kiện vận động, từ hội nghị của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đến các cuộc gặp gỡ của đảng Xanh, với hy vọng nắm bắt được hướng đi tương lai của Berlin.
Đức và trách nhiệm với châu Âu
"Thế giới không ngừng quay vì mọi thứ đang diễn ra ở Mỹ, 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump, và thậm chí cả châu Âu. Châu Âu cần có một người để hợp tác ở Đức", một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ với Euractiv.
Đối với các nước láng giềng, điểm đáng mừng là tất cả bốn đảng lớn của Đức đều đang vận động với những tầm nhìn riêng về vai trò của nước này trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy các chính trị gia Đức nhận thức rõ trách nhiệm của họ đối với châu lục.
Ba năm qua đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong vị thế của Đức. Từ vai trò được cho là "dẫn đầu thế giới tự do" dưới thời Angela Merkel, nước này đã dần suy giảm vai trò của Berlin tại Brussels. Kết quả cuộc bầu cử ngày 23/2 có nhiều khả năng xảy ra nhất là chứng kiến Berlin đóng vai trò mạnh mẽ hơn trên trường châu Âu.
Johannes Lindner, Giám đốc Trung tâm Jacques Delors, nhận định các vấn đề châu Âu đang được chú ý nhiều hơn, đặc biệt sau động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine và thuế quan, cùng với tranh luận về di cư bất hợp pháp và kiểm soát biên giới.
Trong bối cảnh đó, 4 kịch bản khác nhau đang được các ứng cử viên hàng đầu đề xuất: Ông Robert Habeck của đảng Xanh ủng hộ lãnh đạo theo chủ nghĩa liên bang, sẵn sàng chia sẻ nguồn lực của Đức với châu Âu, bao gồm việc chấp nhận nợ chung.
Về phần mình Friedrich Merz, cựu Nghị sĩ châu Âu, hứa hẹn phong cách lãnh đạo mới, toàn châu Âu nhưng vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong khi Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz ủng hộ duy trì nguyên trạng, với EU không được đặt ở vị trí trung tâm, Alice Weidel của đảng AfD cực hữu đề xuất đưa Đức rời khỏi EU và khu vực đồng Euro.
Theo cuộc thăm dò gần đây của YouGov, như thường lệ, EU nằm ở vị trí thấp trong danh sách các vấn đề cấp bách nhất đối với cử tri Đức, khi chỉ có 1% coi đây là vấn đề ưu tiên. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Phong trào châu Âu tại Đức (EBD) cho thấy đa số ủng hộ tư cách thành viên EU và mong muốn khối này tăng cường hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh biên giới và khả năng cạnh tranh.
Veronika Wand-Danielson, Đại sứ Thụy Điển tại Berlin, bày tỏ sự lạc quan khi thấy "những bên chủ chốt ở Đức đang ưu tiên những vấn đề đúng đắn, chẳng hạn như an ninh và khả năng cạnh tranh". Tuy nhiên, thành công của bất kỳ chính phủ mới nào cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng thành lập liên minh ổn định trong nước và phối hợp hiệu quả với các đồng minh EU.
Theo Báo Tin Tức