Châu Âu tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca

19/03/2021 - 13:48

Hàng loạt quốc gia châu Âu đã quyết định nối lại sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định vaccine này “an toàn và hiệu quả”, và các lợi ích của nó nhiều hơn rủi ro.

Giám đốc EMA Emer Cooke ngày 18-3 thông báo, Ủy ban An toàn của cơ quan này đã đưa ra kết luận khoa học rõ ràng về tính an toàn và hiệu quả của vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, EMA sẽ tiếp tục nghiên cứu mối liên hệ (nếu có) giữa vaccine của AstraZeneca và tình trạng rối loạn đông máu rất hiếm gặp.

“Khoảng bảy triệu người tại Liên hiệp châu Âu (EU) và 11 triệu người tại Anh đã được tiêm vaccine AstraZeneca... Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh quan điểm khoa học của chúng tôi là loại vaccine là lựa chọn an toàn và hiệu quả để bảo vệ người dân trước Covid-19”, bà Cooke nói.

Một số quốc gia thành viên EU đang bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ ba do sự lây lan của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Theo Giám đốc EMA, tiêm vaccine có thể ngăn chặn ca tử vong và nhập viện, do đó các nước cần phải nhanh chóng triển khai tiêm vaccine.

Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đang được lưu hành tại Anh và hơn 70 quốc gia khác. (Ảnh: AP)

Ngay sau khi EMA ra tuyên bố nêu trên, Pháp, Italy và Đức lập tức thông báo, các nước này sẽ tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca từ ngày 19-3. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan sẽ có hành động tương tự vào tuần tới. Tuy nhiên, Tây Ban Nha cho biết, một số nhóm sẽ chưa được tiêm vaccine này để hạn chế nguy cơ xuống mức thấp nhất.

Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết ông sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca trong ngày 19-3 để “chứng tỏ chúng ta có thể hoàn toàn tin vào vaccine này”. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng sẽ tiêm vaccine AstraZeneca ngay hôm nay để trấn an người dân về tính an toàn của nó.

Tuần trước, một số quốc gia trên thế giới đã tạm dừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sau khi châu Âu ghi nhận các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine. 

Đa số các ca bất thường là người từ 55 tuổi trở xuống, trong đó phần lớn là phụ nữ. Các chuyên gia của EMA không tìm thấy bằng chứng về chất lượng hoặc vấn đề trong lô hàng liên quan đến bất cứ địa điểm sản xuất cụ thể nào.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho biết không có bằng chứng cho thấy vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca là nguyên nhân gây ra đông máu. Loại vaccine này đóng vai trò quan trọng trong dự án phân phối vaccine trên toàn cầu COVAX. 

Dự kiến, tuần tới AstraZeneca sẽ xin cấp phép lưu hành vaccine của hãng này tại Mỹ. Mỹ đang sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 19-3 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 122.352.446 ca mắc, 2.702.269 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 30.357.599 ca mắc, 552.311 ca tử vong
2. Brazil: 11.787.600 ca mắc, 287.795 ca tử vong
3. Ấn Độ: 11.513.945 ca mắc, 159.405 ca tử vong
4. Nga: 4.428.239 ca mắc, 93.824 ca tử vong
5. Anh: 4.280.882 ca mắc, 125.926 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.443.853 ca mắc, 39.142 ca tử vong 
2. Philippines: 640.984 ca mắc, 12.887 ca tử vong
3. Malaysia: 328.466 ca mắc, 1.223 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.212 ca mắc, 3.204 ca tử vong  
5. Singapore: 60.152 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 27.494 ca mắc, 89 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.570 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 1.541 ca mắc, 01 ca tử vong
9. Brunei: 203 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 36.999.980 ca mắc, 869.735 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 34.888.720 ca mắc, 798.438 ca tử vong 
3. Châu Á: 26.598.885 ca mắc, 413.673 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 19.704.638 ca mắc, 510.153 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.106.386 ca mắc, 109.146 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 53.116 ca mắc, 1.109 ca tử vong

Theo Báo Nhân Dân