Châu Đốc - thành phố trẻ, năng động

17/07/2023 - 06:02

 - TP. Châu Đốc có vị trí đặc biệt về thương mại, kinh tế biên giới, du lịch (DL) và là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh An Giang. Những năm qua, TP. Châu Đốc thể hiện ngày càng rõ nét vai trò trung tâm thương mại, dịch vụ, DL của tỉnh, cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Chăm lo tốt cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi, việc xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện TP. Châu Đốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các huyện đầu nguồn sông Cửu Long, các huyện miền núi, biên giới và của tỉnh.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Châu Đốc đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 4/12/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TX. Châu Đốc đến năm 2010; Thông báo 93-TB/TU, ngày 19/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU và Kết luận 23-KL/TU, ngày 12/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TX. Châu Đốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Nhờ đó, năm 2007, Châu Đốc được nâng lên đô thị loại III; đến năm 2013, được công nhận thành phố và đến năm 2015 là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, với dân số khoảng 115.000 người, gồm 5 phường và 2 xã. Tỉnh phát huy thế mạnh về thương mại, dịch vụ, DL làm nền tảng phát triển các khu vực kinh tế khác, là động lực tăng trưởng kinh tế qua từng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng DL, thương mại, dịch vụ...

Tỉnh và thành phố tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, vẻ đẹp truyền thống, đặc biệt là Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và quần thể di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng tiếp tục được lan tỏa. Lượng khách tham quan hàng năm đạt trên 4 triệu lượt (tăng bình quân 7,09%/năm).

Nhằm phát huy thế mạnh về DL của thành phố, tỉnh có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho ý kiến lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 4 dự án phát triển hạ tầng DL thành phố, với tổng mức đầu tư 1.817 tỷ đồng vào danh mục chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng DL (giai đoạn 2016 - 2025).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được cấp ủy Đảng, chính quyền TP. Châu Đốc quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều thành tựu nổi bật và là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về trường học đạt chuẩn quốc gia. Châu Đốc có 100% hộ gia đình chính sách có cuộc sống ổn định, là địa phương đứng đầu tỉnh trong việc giảm hộ nghèo, cận nghèo.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao gắn kết các sự kiện, kỷ niệm lịch sử, văn hóa truyền thống đất nước, địa phương; gắn văn hóa với phát triển DL, nhất là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh đô thị...

Tự hào tiếp bước

“Những thành tựu đạt được thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh; là điều kiện quyết định sự thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế của Châu Đốc. từ một thị xã vùng biên khó khăn, chỉ trong thời gian ngắn Châu Đốc vươn lên trở thành thành phố năng động, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

Những thành tích đó hoàn toàn xứng đáng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thêm tự hào khi được Đảng, nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng 3 về thi đua xây dựng nông thôn mới. Đây là nền tảng quan trọng để Châu Đốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (cán bộ hưu trí, ngụ phường Núi Sam) bày tỏ: “Là người con của Châu Đốc, tôi chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương. TP. Châu Đốc ngày càng khẳng định là điểm đến DL tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Nhờ DL phát triển đã giúp giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho nhiều lao động, đời sống nhân dân ổn định và từng bước cải thiện. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng. Nhìn thành phố “thay da, đổi thịt”, những người con quê hương Châu Đốc càng tự hào, càng yêu quê hương và chúng tôi tiếp tục chung tay, đóng góp sức người, sức của để xây dựng TP. Châu Đốc ngày càng phát triển”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Châu Đốc cần xác định quan điểm phát triển Châu Đốc theo hướng tăng trưởng xanh; DL là ngành kinh tế chủ đạo. Phát triển DL tâm linh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống địa phương. Xây dựng và phát triển TP. Châu Đốc trở thành đô thị DL thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước của miền Tây Nam Bộ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm DL trọng điểm của quốc gia; là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh với ĐBSCL và Vương quốc Campuchia; tăng cường liên kết vùng; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2030.

“Phát triển kinh tế phải gắn với giữ vững quốc phòng - an ninh; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

THU THẢO