Châu Phú hơn 200 năm hình thành và phát triển

19/10/2020 - 08:57

 - Hơn 2 thế kỷ trôi qua, vùng đất Châu Phú (An Giang) đã vượt qua những thăng trầm, từng bước vươn mình đổi thay. Trong quá trình hình thành và phát triển ấy đã ghi dấu công lao của các bậc tiền nhân, mang đậm nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước Nam Bộ và chứa đựng nhiều giá trị lịch sử để thế hệ hôm nay kế thừa, tiếp bước xây dựng, phát triển địa phương.

Châu Phú, xưa thuộc vùng đất Tầm Phong Long, thế đất hiểm yếu, núi cao, sông dài, nhiều rừng rậm, dân cư thưa thớt. Năm Đinh Sửu 1757, vùng đất Tầm Phong Long được đặt dưới quyền kiểm soát của Chúa Nguyễn Phúc Khoát và Châu Phú lúc này thuộc đạo Châu Đốc của dinh Long Hồ. Năm 1805, Vua Gia Long chia Nam Bộ thành 5 trấn, vùng đất Châu Phú thuộc Vĩnh Trấn. Năm 1808, Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Địa bàn Châu Phú dưới thời vua Gia Long (1802-1820) gồm 4 thôn: Bình Lâm, Bình Thạnh Tây, Bình Trung, Mỹ Đức thuộc huyện Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng bãi bỏ trấn lập tỉnh, Châu Phú lúc này thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Phủ trị và huyện trị đặt tại thôn Mỹ Đức.

Từ năm 1867, dưới quyền kiểm soát của thực dân Pháp, Châu Phú trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập và đổi tên đơn vị hành chính, đến năm 1957, dưới thời Ngô Đình Diệm, Châu Phú là một quận thuộc tỉnh An Giang. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 20-12-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 19 thành lập tỉnh An Giang, Châu Phú lúc này là 1 trong 8 quận của tỉnh An Giang. Qua quá trình thay đổi các đơn vị hành chính, Châu Phú ngày nay là 1 trong 3 huyện đồng bằng thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, có 1 thị trấn và 12 xã.

Châu Phú chú trọng xây dựng xã nông thôn mới, nâng cấp diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân

Hơn 200 năm hình thành và phát triển, vùng đất Châu Phú đã trải qua nhiều đổi thay. Từ một nền nông nghiệp sản xuất thô sơ, theo tiến trình phát triển của xã hội, nông nghiệp huyện Châu Phú dần phát triển, sản xuất theo xu hướng kinh tế thị trường, đa dạng sản phẩm với quy mô ngày càng mở rộng; khoa học - kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, chăn nuôi; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từng bước được đầu tư phát triển.

Bằng sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Châu Phú đã có 7/12 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Nhờ đó, những con đường làng bùn đất được thay thế bằng lộ bê-tông, trải nhựa thẳng tấp, những chiếc cầu khang trang kết nối đôi bờ kênh rạch, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 63,5% triệu đồng/người. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện luôn được chú trọng phát triển.

Nhìn lại tiến trình hình thành và phát triển, Châu Phú ngày nay đang tiếp tục bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của huyện; giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của những anh hùng, liệt sĩ, những người đã hy sinh trong suốt thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Để đưa huyện nhà ngày càng phát triển, Châu Phú còn hoạch định những hướng đi, đề ra các giải pháp phù hợp để xây dựng địa phương.

Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Phước Nên cho biết: “Trên cơ sở những thành tựu đạt được thời gian qua, nhiệm kỳ 2020-2025, Châu Phú đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tập trung sản xuất các loại cây có giá trị xuất khẩu để đảm bảo sản xuất có đầu ra ổn định. Nhằm tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, để tạo liên kết vùng như mở rộng tuyến đường Nam Cần Thảo dài khoảng 20km từ Quốc lộ 91 đến Kênh Ranh giáp huyện Tịnh Biên.

Tuyến đường này đi qua 2 xã Ô Long Vĩ và Mỹ Phú, khi hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội 2 xã phát triển, đồng thời, sẽ nâng cấp, mở rộng, hoàn chỉnh các tuyến đường liên xã, tạo liên kết lưu thông thông suốt, thuận tiện. Huyện cũng sẽ đẩy nhanh các dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện quy hoạch đô thị Cái Dầu - Bình Long - Bình Mỹ, chú trọng nâng cấp, chỉnh trang thị trấn Cái Dầu đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại IV…”.

Vừa qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang đã phối hợp Huyện ủy Châu Phú tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử vùng đất Châu Phú hơn 200 năm”. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Trần Thanh Nhã, hội thảo nhằm đánh giá đúng, đầy đủ về quá trình phát triển hơn 200 năm của Châu Phú, từ đó, bổ sung thêm nguồn tư liệu về lịch sử địa phương để đề xuất những hình thức tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, góp phần quảng bá, kêu gọi đầu tư để Châu Phú xây dựng và thực hiện thành công các khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

MỸ LINH