Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Châu Phú luôn tưởng nhớ công lao các anh hùng, liệt sĩ
Huyện đội trưởng tài ba
Đào Hữu Cảnh là tên được đặt cho 1 xã của huyện Châu Phú để tưởng nhớ công lao của người liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Đào Hữu Cảnh (Bảy Cảnh), tên thật là Đào Văn Sạ, sinh năm 1932 trong một gia đình nông dân nghèo (ngụ ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, Châu Phú). Năm 14 tuổi, người thiếu niên Đào Văn Sạ đã giác ngộ và thoát ly theo cách mạng. Giai đoạn đầu, đồng chí làm giao liên, canh gác cho cán bộ hội họp, sau đó được đào tạo đường lối chính trị, huấn luyện phương pháp hoạt động cách mạng ở căn cứ và được tổ chức phân công hoạt động bí mật. Đến tháng 8-1950, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1960, Đội vũ trang của huyện Châu Phú được thành lập gồm 2 tiểu đội, gọi là lực lượng địa phương 802. Đồng chí Bảy Cảnh nhận nhiệm vụ tập luyện cách điều nghiên, nắm tình hình và tổ chức tấn công vào các trụ sở của địch. Đến năm 1961, đồng chí được bổ sung vào Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Châu Phú giữ chức Huyện đội trưởng kiêm Huyện đội chánh, chỉ huy lực lượng địa phương quân huyện phiên hiệu 802.
Qua nhiều trận đánh dưới sự chỉ huy của đồng chí Đào Hữu Cảnh, từ năm 1962, lực lượng vũ trang của huyện Châu Phú ngày càng lớn mạnh, tạo nên nhiều chiến công vang dội. Điển hình như trận đánh diễn ra vào sáng ngày 17-8-1962, khi 30 xuồng địch đi càn từ núi Sam xuống, đồng chí Bảy Cảnh đã chỉ huy lực lượng vũ trang huyện tiêu diệt gần 70 tên địch, bắt sống 18 tên (trong đó, có trung úy Đại đội trưởng Vũ Ngọc Điển chỉ huy trận càn), thu nhiều chiến lợi phẩm. Đây được xem là trận đánh điển hình của tỉnh, thể hiện bản lĩnh, năng lực của người chỉ huy Đào Hữu Cảnh. Năm 1965, địch tập trung lực lượng đàn áp phong trào, các cơ sở do cán bộ, đảng viên gây dựng bị đánh phá liên tục, không trụ được. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, cán bộ, đảng viên vượt qua nhiều tầng kiểm soát của địch, quyết tâm phát động phong trào quần chúng phá kềm, giành quyền làm chủ vùng nông thôn. Lúc 16 giờ, ngày 30-10-1965, đồng chí Bảy Cảnh cùng một số chiến sĩ từ căn cứ về trú tại mương Tám Rằn (đường Thét - Thạnh Mỹ Tây) điều nghiên lên kế hoạch đánh đồn Xáng Cụt. Do bị chỉ điểm, địch vây đánh bất ngờ, đồng chí ra lệnh cho lực lượng rút, riêng đồng chí và vài chiến sĩ ở lại chiến đấu với quân địch đến hơi thở cuối cùng.
Người chỉ huy trưởng đầy bản lĩnh
Được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, đồng chí Lê Văn Cường (Bảy Cường, sinh năm 1934), tên thật Lê Văn Chu, bắt đầu tham gia du kích xã năm 1957, làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ cán bộ, đảng viên và cung cấp thông tin cho cách mạng. Năm 1958, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt 17 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Cường đã trải qua các nhiệm vụ: du kích, Bí thư chi bộ xã Mỹ Đức, Huyện đội phó, Huyện đội trưởng. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện bản lĩnh của người lính cụ Hồ, luôn kề vai, sát cánh cùng đồng đội, sẵn sàng xả thân vì đất nước.
Trong quá trình hoạt động, đồng chí Bảy Cường đã tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh không cân sức nhưng vẫn giành thắng lợi, đẩy lùi nhiều đợt càn quét của địch. Trong đó, phải kể đến trận đánh diễn ra lúc 2 giờ sáng, ngày 31-1-1968 (mùng 2 Tết Mậu Thân), đồng chí Bảy Cường lúc này là Huyện đội phó, chỉ huy một trung đội địa phương quân Châu Phú tấn công hướng Tây Bắc TX. Châu Đốc, diệt 65 tên địch, làm 13 tên bị thương, phá hủy 11 cao ốc của địch, thu nhiều chiến lợi phẩm. Thời kỳ hoạt động có giai đoạn đôi mắt đồng chí không nhìn thấy, do ẩn mình ở hầm bí mật nhiều tháng liền, thế nhưng điều đó không làm đồng chí vơi đi tinh thần chiến đấu.
Mùa nước năm 1972, lực lượng cách mạng đang làm nhiệm vụ tại vùng Cây Gáo Ổ Quạ (xã Mỹ Đức) thì địch bất ngờ tổ chức cuộc hành quân lớn có trực thăng yểm trợ. Khi đó, lực lượng cách mạng chỉ 15 người, đi trên 6 chiếc xuồng tại nơi địa hình khó ẩn nấp. Mặc dù điều kiện bất lợi, bản thân bị sốt rét, lại phải trầm mình dưới nước nhiều ngày liền, lương thực cạn, chỉ còn 3 muỗng cơm thiu vo lại để vài hạt muối vào lót dạ, nhưng với tài chỉ huy của mình, đồng chí Bảy Cường không chỉ đưa cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi hiểm nguy mà còn giành thắng lợi. Với những thành tích tạo nên tiếng vang, quân địch luôn xem đồng chí Bảy Cường là “cái gai trong mắt” và tìm mọi cách tiêu diệt. Tháng 11-1974, nhân lúc đồng chí cùng một đồng đội đi công tác ở ấp Bình Chơn, xã Bình Mỹ, quân địch tổ chức một trung đội phục kích, đồng chí Bảy Cường cùng đồng đội kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh.
MỸ LINH