Một đám cháy rừng bùng phát ở làng Gennadi, trên đảo Rhodes, biển Aegean, Đông Nam Hy Lạp ngày 25/7/2023. Ảnh: AFP
Theo hãng tin Reuters, các quốc gia bao gồm Italy, Hy Lạp và Algeria đang huy động hàng nghìn lính cứu hỏa để dập tắt những đám cháy rừng đang lan rộng do nhiệt độ thiêu đốt và gió mạnh.
Số người chết cao nhất do những đám cháy rừng này gây ra được ghi nhận tại Algeria. Đài truyền hình nhà nước EPTV News đưa tin thảm họa cháy rừng đã lan rộng khắp 11 tỉnh ở quốc gia Bắc Phi này, cướp đi sinh mạng của ít nhất 34 người tính đến ngày 24/7, trong đó 10 nạn nhân là quân nhân. Hơn 8.000 lính cứu hỏa đã được triển khai để kiểm soát đám cháy khi cư dân sống gần các khu vực có rừng được sơ tán.
Theo Cơ quan Dịch vụ Bảo vệ Dân sự Algeria, ngày 26/7, tình hình cháy rừng dường như đã được kiểm soát.
Bộ Nội vụ Algeria thông báo ít nhất 34 người thiệt mạng trong nhiều vụ cháy rừng trên cả nước. Ảnh: AFP
Người dân đứng xem ngọn lửa bùng cháy ở Capaci, gần Palermo, Sicily, Italy ngày 26/7. Ảnh: AFP
Trong khi đó, tại Italy - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu, đang chật vật ứng phó với 10 đám cháy ở miền Nam nước này, bao gồm các đám cháy ở Sicily, Calabria, Abruzzo và Puglia. Hơn 2.000 người đã được sơ tán khỏi ba khách sạn tại Puglia vào tối 25/7.
Theo đài ANSA, một người đàn ông 98 tuổi đã tử vong tại nhà khi ngọn lửa lan đến nhà của ông ở thành phố ven biển Reggio Calabria, miền Nam Italy. Tại Palermo ở Sicily, hai người cao tuổi khác ở độ tuổi 70 bị phát hiện chết cháy trong nhà. Một cụ bà 88 tuổi khác cũng thiệt mạng khi xe cứu thương không đến kịp do hỏa hoạn.
Ở một số vùng của Sicily, nhiệt độ lên tới 47,4 độ C vào ngày 24/7, gần với kỷ lục nhiệt độ châu Âu là 48,8 độ C được thiết lập vào năm 2021. Cơ quan khí tượng Italy cho biết nhiệt độ sẽ giảm nhẹ trong những ngày tới ở miền Nam trước khi tăng trở lại vào cuối tuần.
Ngày 26/7, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết các đám cháy và thảm họa thời tiết khắc nghiệt đang đặt đất nước vào “thử thách”.
Lửa thiêu rụi cây ở làng Vati, đảo Rhodes, Hy Lạp ngày 25/7. Ảnh: AFP
Cùng ngày, tại các vùng của Bồ Đào Nha và miền Nam Tây Ban Nha, các đội khẩn cấp đã phải vật lộn để ngăn chặn các vụ cháy rừng khi người dân được sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng.
Bên ngoài thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, vào sáng 26/7, hơn 500 lính cứu hỏa vẫn có mặt tại hiện trường vụ cháy rừng bùng phát ở khu vực Cascais.
Theo đài truyền hình công cộng Tây Ban Nha RTVE, tại thành phố Tejeda trên đảo Gran Canaria của Tây Ban Nha, một đám cháy rừng đã bùng phát, thiêu rụi trên 200 hecta đất trong ngày 25/7.
Tại Hy Lạp, cơ quan cứu hỏa cho biết 61 vụ cháy rừng mới đã tàn phá nhiều vùng của đất nước trong bối cảnh nhiệt độ ngột ngạt lên tới 46 độ C.
Dịch vụ cứu hỏa của đất nước ngày 26/7 cho biết những đám cháy mới đã thúc đẩy lệnh sơ tán ở một số khu vực của thành phố Lamia và Volos, sau khi gần 20.000 người được sơ tán khỏi nhà và khu du lịch ở Rhodes vào cuối tuần qua.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy các phương tiện và cây cối bị cháy sau một đám cháy gần Vati, Rhodes ngày 26/72023. Ảnh: AFP
Theo Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS), lượng khí thải carbon từ các đám cháy là cao nhất trong hai thập kỷ qua. CAMS cho biết khoảng 1 megaton khí thải carbon đã được ghi nhận từ ngày 1/7 đến ngày 25/7, đồng thời cho biết thêm rằng các vụ cháy rừng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong khu vực.
Maria Feggou, một tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Hy Lạp đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa ở Rhodes, nói rằng tình hình rất phức tạp. “Một nửa hòn đảo đang chìm trong biển lửa và dường như không thể kiểm soát được”, Feggou trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN.
Tại Evia, hai phi công ở độ tuổi 27 và 34 đã thiệt mạng khi máy bay của họ bị rơi trong một chiến dịch chữa cháy trên đảo. Lực lượng vũ trang Hy Lạp tuyên bố ba ngày quốc tang.
Trong cuộc họp nội các ngày 26/7, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết các vụ hỏa hoạn là “một thử thách khó khăn” đối với đất nước. Ông cảnh báo mọi thứ có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn với nhiệt độ ấm hơn, hạn hán nhiều hơn, gió mạnh hơn. Cơ quan thời tiết Hy Lạp đã cảnh báo về nhiệt độ tăng cao ở một số vùng của đất nước, trong khi đảo Crete đã được đặt trong tình trạng báo động về nguy cơ hỏa hoạn cao.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cháy rừng bùng phát vào đêm 25/6 ở tỉnh Antalya phía nam Địa Trung Hải. Theo Thị trưởng Antalya Muhittin Bocek, những nỗ lực nhằm dập tắt đám cháy rừng bùng phát đêm qua ở quận Kemer của Antalya vẫn đang triển khai. Ông Bocek cho biết 180 hecta đất đã bị ảnh hưởng và đám cháy khó kiểm soát do độ dốc của khu vực và sức gió mạnh.
Tổng cộng 10 ngôi nhà gần đám cháy đã được sơ tán để đề phòng. Theo hãng truyền thông nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, 6 người đang được điều trị tại bệnh viện vì ngạt khói.
Các nhà khoa học cảnh báo thời tiết khắc nghiệt gây ra sự tàn phá trên khắp vùng Địa Trung Hải sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn nếu thế giới còn tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, làm Trái đất ấm lên.
Theo Báo Tin Tức