Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)
Cho ý kiến tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn Giám sát về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và các đại biểu chia sẻ những khó khăn, thách thức, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quy hoạch. Một số ý kiến đại biểu đề nghị bộ cần tiếp tục làm rõ hơn nguyên nhân trong việc chậm trễ việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quốc gia.
Làm rõ tính hợp lý việc phân vùng
Có ý kiến đại biểu đặt vấn đề phương pháp lập quy hoạch như hiện nay còn nhiều bất cập. Việc các quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước quy hoạch tổng thể quốc gia có thể ảnh hưởng định hướng trong việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia; làm rõ kinh nghiệm quốc tế đối với việc lập quy hoạch.
Nhiều ý kiến đề cập việc phân vùng chậm ảnh hưởng tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Đến nay việc phân vùng vẫn được phân chia theo 6 vùng tương tự như 6 vùng kinh tế trước đây; do vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ tính hợp lý việc phân 6 vùng như hiện nay…
Phát biểu kết luận nội dung cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về quy hoạch.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia; chủ trì lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án lập qui hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua báo cáo của 5 bộ và nghiên cứu các báo cáo của các địa phương cho thấy cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch; nghiên cứu để tiếp tục khắc phục việc chưa thống nhất giữa Luật Quy hoạch và một số luật khác cũng như các quy định liên quan quy hoạch tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Lưu ý Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn có bất cập; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 là giải pháp tình thế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ hơn các bất cập này, chỉ rõ các bất cập này ảnh hưởng như thế nào đến tổ chức lập quy hoạch, chất lượng các quy hoạch; đánh giá tính khả thi và chất lượng của việc tích hợp quy hoạch cũng như giải pháp điều chỉnh, đồng bộ các qui hoạch…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Quy hoạch đã được bộ giải trình.
Cho rằng hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều chậm so với yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo và nêu rõ nguyên nhân cơ bản, thực chất dẫn đến việc chậm trễ; giải pháp then chốt, căn cơ để khắc phục, sớm hoàn thành các quy hoạch. Bộ cần kiến nghị cụ thể với Chính phủ, với Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch.
Bảo đảm tính thống nhất giữa các quy hoạch
Các ý kiến đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước về quy hoạch cần báo cáo rõ, cụ thể hơn trong báo cáo và khẩn trương báo cáo Chính phủ để có giải pháp, hướng dẫn để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, quy hoạch ngành quốc gia lập khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia nên chưa có định hướng tổng thể làm cơ sở cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia lập song song, việc trao đổi thông tin rất hạn chế, công tác phối hợp cũng bất cập nên rất khó khăn, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, đặc biệt việc lập và tích hợp quy hoạch tỉnh rất khó khăn…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rõ nguyên nhân cụ thể trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân việc chậm ban hành danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, chậm ban hành danh mục quy hoạch hết hiệu lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến Đoàn Giám sát, ý kiến các bộ, ngành đã phát biểu trong các cuộc làm việc để hoàn chỉnh báo cáo của Bộ cũng như tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện báo cáo của Chính phủ sớm gửi lại để Đoàn Giám sát làm việc với lãnh đạo Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị bộ phận giúp việc Đoàn Giám sát khẩn trương tổng hợp ý kiến sáu cuộc làm việc; chuẩn bị tốt cuộc làm việc trực tuyến với một số địa phương để có thêm căn cứ, thông tin, tập trung vào các nội dung chưa rõ hoặc có ý kiến khác nhau.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số quy định của Luật Quy hoạch.
Nghị định đã thực hiện đầy đủ việc quy định chi tiết việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp và bảo đảm phù hợp quy định về việc tích hợp quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan, để xây dựng các văn bản hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc về lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp và cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh.
Các văn bản được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, viện dẫn các quy định có liên quan để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn các địa phương nắm được các quy định về phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch và khuyến khích kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp quy hoạch, không gây mâu thuẫn, chồng chéo và làm phát sinh thủ tục trái với quy định của pháp luật về quy hoạch.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ tổng thể lập quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ hoàn thành và trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ IV (tháng 10 và 11-2022), như vậy vẫn sớm hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP là 6 tháng.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bù lại thời gian do khởi động chậm so với các mốc tiến độ quy định tại Quyết định số 203/QĐ-HĐQHQG.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò là đầu mối hết sức quan trọng của Chính phủ trong quản lý Nhà nước về quy hoạch; tham mưu, tổng hợp về chiến lược quy hoạch, liên quan tới nhiều ngành, nhiều địa phương, tới quy mô, tầm nhìn quy hoạch của cả quốc gia.
Việc nhận diện khách quan, chính xác những kết quả tích cực đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc trong công tác quy hoạch, từ đó làm cơ sở để xác định giải pháp cụ thể đối với từng nội dung là rất quan trọng.
(Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Đức Hải)
|
Theo VĂN CHÚC (Nhân dân)