'Chìa khóa vàng' hồi sinh ngành công nghiệp không khói

04/04/2021 - 18:50

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, du lịch nội địa không ngừng giảm giá, kích cầu để phục hồi. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp không khói như trước đây, các địa phương phải chủ động, sẵn sàng mọi nguồn lực đón du lịch quốc tế trong tình hình mới, coi đây là "chìa khóa vàng" để mở cửa hồi sinh.

Kích cầu du lịch nội địa

Để thích ứng với tình hình dịch COVID-19, ngành du lịch đã chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa, cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, giải pháp của ngành du lịch trong nước là tiếp tục giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và duy trì hoạt động.

Chú thích ảnh

Du khách tham quan làng chài Vung Viêng trên vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Chùa Tam Chúc ở tỉnh Hà Nam kết hợp với quần thể chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình và khu di tích thắng cảnh chùa Hương huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang tạo nên tam giác du lịch tâm linh “đắt” khách tại Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Trong tháng 3-4/2021, đáp ứng nhu cầu thị trường, các công ty lữ hành đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng trọn gói phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm tour du lịch bao gồm phương tiện di chuyển (vé tàu xe, vé máy bay khứ hồi), khách sạn và nhà hàng ăn uống kèm theo hướng dẫn viên với giá thành hợp lý. Khi tham gia tour, khách hàng được nghe hướng dẫn viên thuyết trình về lịch sử, văn hoá của các địa danh nổi tiếng và được sắp xếp thời gian nghỉ ngơi tham quan. 

Nhiều du khách cho biết, việc đi tour hiện nay không bị mệt vì biết lịch trình tham quan, không phải tự tìm hiểu điểm tham quan. Tuy không phải là thời điểm vàng để vui chơi, nghỉ dưỡng, nhưng du lịch trái mùa hậu COVID-19 chính là cơ hội tốt cho khách hàng bởi giá thành rẻ, thuận tiện đặt chỗ và lượng người tham quan thông thoáng, đảm bảo yêu cầu phòng dịch...

Qua tìm hiểu, các tuyến đường bộ vào mùa du lịch đang hút khách trở lại các điểm đến như Sapa, Mộc Châu, Hà Giang, Cao Bằng hay nhiều tuyến biển đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Mũi Né, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Phú Yên... Vì vậy, các công ty du lịch đang tập trung khai thác mạnh sản phẩm combo du lịch mới và được ưa chuộng tại các địa phương trên.

Các tỉnh, thành phố cũng tích cực đưa ra nhiều gói hỗ trợ để ngành du lịch tái khởi động như áp dụng chính sách miễn thu phí tham quan danh thắng; combo gói dịch vụ bao gồm phương tiện di chuyển và nghỉ dưỡng ăn uống cùng với các khuyến mãi tặng kèm... Đặc biệt, dù chưa đến mùa cao điểm, nhưng những combo “hấp dẫn” như Vinpearl Phú Quốc 4 ngày 3 đêm bao gồm vé máy bay khứ hồi, ăn uống nghỉ ngơi hạng sang chỉ 3,99 triệu đồng hay nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm trong tháng 3-4 giá chỉ 2,2 triệu đồng… đang được nhiều khách hàng ưa thích.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021, ngành du lịch dự kiến sẽ khai thác và phục vụ 80 triệu khách nội địa với tổng doanh thu 377.000 tỷ đồng. Đây là con số khá cao, nhưng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, cùng sự nỗ lực, đồng hành của các địa phương, hiệp hội du lịch, sự vươn lên vượt khó của doanh nghiệp du lịch thì mục tiêu này có thể đạt được.

Chủ động đón du lịch quốc tế

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, câu chuyện mở cửa thị trường du lịch quốc tế đang đặt ra nhiều nhiệm vụ quyết liệt cho toàn ngành du lịch. Diện mạo của du lịch Việt sẽ định hình ra sao trong giai đoạn 2021-2023? Những giải pháp, sản phẩm dịch vụ hấp dẫn nào sẽ được thiết kế đặc biệt cho thị trường? Doanh nghiệp xoay chuyển ra sao trong năm COVID-19 thứ 2 và đâu là những kịch bản cho việc mở cửa thị trường quốc tế trong thời gian tới?... Câu trả lời cần được ngành du lịch sớm sẵn sàng, chủ động giải đáp.

Chú thích ảnh

Chủ động các phương án đón du lịch quốc tế. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN.

"Khi gần như tất cả các nước trong khu vực ASEAN đều tung chiến dịch quảng bá điểm đến an toàn để chuẩn bị cho thu hút du lịch hậu đại dịch, thì khả năng mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh dịch được kiểm soát tốt cần đi trước đón đầu", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Còn theo các chuyên gia, kích cầu, giảm giá du lịch nội địa hiện được coi yếu tố hàng đầu để phục hồi du lịch trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên đó mới là yếu tố cần. Ngành du lịch chỉ có thể trở lại trạng thái hoàn toàn bình thường khi du lịch quốc tế hồi sinh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, khi dịch vẫn đang diễn ra, từ đầu tháng 3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng lộ trình đón khách quốc tế và triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K, để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách, cũng như người dân địa phương.

"Bên cạnh đó, Bộ ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế. Nếu đảm bảo được những điểm này, tỷ lệ mở cửa thành công sẽ khá cao", ông Nguyễn Quý Phương chia sẻ.

Theo VÂN SƠN (Báo Tin Tức)