Từ năm 2016 đến nay, số hộ nghèo tại huyện Châu Thành giảm còn 1.865 hộ (chiếm 4,54%). Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Trường Huấn, kết quả này rất khả quan so với giai đoạn trước (đầu nhiệm kỳ hơn 6%), đặc biệt đối với hộ đã thoát nghèo đến nay chưa có trường hợp nào tái nghèo. Hàng năm, khi rà soát hộ nghèo, cận nghèo, cán bộ xã, thị trấn kết hợp tìm hiểu, phân tích nguyên nhân của các nhóm đối tượng. Từ kết quả này, địa phương đưa ra giải pháp giúp đỡ hộ nghèo như: xây dựng nhà ở, hỗ trợ vốn làm ăn, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Gần 3 năm qua, thông qua ngân sách và các chính sách xã hội, huyện đã ký ủy thác cho 3.240 hộ vay vốn uu đãi, tổng số tiền gần 60 tỷ đồng, trong đó có gần 2.280 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và gần 1.000 học sinh, sinh viên được vay vốn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động (LĐ) nông thôn sát với nguyện vọng của người dân và nhu cầu của doanh nghiệp. Huyện đã ký kết với các ngành mở 135 lớp đào tạo nghề cho gần 4.200 LĐ nông thôn, giải quyết việc làm cho trên 14.000 LĐ.
Chăm lo về nhà ở cho hộ nghèo
Tại huyện Phú Tân, ước đến cuối năm 2018, hộ nghèo trên địa bàn còn 1.611 hộ (chiếm 3%), giảm 3,64% so với cuối năm 2015. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Thanh Tùng chia sẻ: “Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giúp hộ nghèo khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, truyền thông tập trung vào các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nêu gương các cá nhân điển hình vượt khó. Đặc biệt quan tâm việc đào tạo nghề cho LĐ, huy động các nguồn lực giúp hộ nghèo có được việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo vững chắc. Bên cạnh đó, giải quyết vốn vay cho hộ nghèo thông qua nhiều nguồn và có sự tập trung, chủ yếu từ 4 nguồn: vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội và quỹ “Vì người nghèo”. Ngoài thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, huyện chọn cách nhân rộng mô hình giảm nghèo là biện pháp căn cơ mang tính đột phá. Các mô hình đang phát huy hiệu quả điển hình như: nuôi dê, nuôi bò vỗ béo, nuôi trâu làm thuê, nuôi lươn, trồng rau màu và các mô hình khác.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân
Trong khi đó, tại huyện miền núi Tịnh Biên, đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)Khmer được tập trung nhiều chính sách ưu đãi về nhà ở, đầu tư cơ sở hạ tầng. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Phù Văn Tuấn cho biết, không chỉ chăm lo phát triển sinh kế, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm đời sống văn hóa tinh thần, nhất là vào các dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS. Huyện thực hiện lồng ghép nhiều chương trình chính sách dành cho đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn như: ưu tiên miễn giảm học phí, trợ cấp tiền cho học sinh, mua bảo hiểm y tế, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống thu hút nhiều người cùng tham gia. Đồng bào DTTS Khmer từng bước cải thiện cuộc sống, hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội được xây mới khang trang, trường học, trạm y tế đạt chuẩn, hệ thống giao thông nông thôn hoàn thiện mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho người dân. Việc tăng cường các chính sách an sinh xã hội đã từng bước giúp đồng bào DTTS Khmer từng bước ổn định cuộc sống, nhận thức được nâng lên. Hiện nay, ngoài tham gia các mô hình giảm nghèo ở địa phương, nhiều gia đình có LĐ đã có cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh, thậm chí đi LĐ ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Dự kiến đến cuối năm 2018, hộ nghèo 1.938 hộ (chiếm 6,38%), trong đó hộ nghèo là người DTTS Khmer sẽ giảm còn 956 hộ (3,1%).
Những giải pháp đồng bộ, năng động và sáng tạo của từng địa phương đã góp phần hiệu quả đưa chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đi vào cuộc sống. Qua đó, người dân đã phấn khởi đón nhận và ủng hộ, nhất là khơi dậy ý chí tự lực vươn lên để thoát nghèo.
Mỹ HẠNH