Chiếc bếp huyền thoại

15/02/2024 - 02:48

 - Chiếc bếp ấy đã từng được người lính “dựng giữa trời” dọc đường chi viện miền Nam. Chiếc bếp ấy xuất hiện nhiều trong văn học kháng chiến, được đưa vào chương trình huấn luyện chiến sĩ trong cả thời bình, quen thuộc đến mức trở thành “huyền thoại”.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật) đã từng khiến đám học sinh chúng tôi thắc mắc mãi. Bếp gì mà dựng giữa trời? Bếp gì mà nấu không tạo khói? Những chi tiết ấy chỉ được giáo viên giải thích qua loa, vì chúng là điểm nhấn nhỏ trong toàn bài thơ, góp thêm chút tinh thần dí dỏm, lạc quan của bộ đội thời kỳ gian khó.

Bếp Hoàng Cầm ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn, tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Bếp mang tên người chế tạo ra nó - anh nuôi tên Hoàng Cầm. Ông nguyên là tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội trưởng Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mô hình bếp Hoàng Cầm 3 cấp của Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

Cái khó ló cái khôn. Chiếc bếp ra đời từ những gian khó của bộ đội khi ấy, từ trăn trở che mắt kẻ thù để giành độc lập dân tộc. Tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội bị thương vong nhiều, sức khỏe giảm sút, điều kiện ăn uống không đảm bảo, chiến sĩ Hoàng Cầm rất đau xót.

Tình hình chiến tranh ngày càng khốc liệt, bộ đội ta chiến đấu, hy sinh không chỉ ở mặt trận giáp mặt quân thù, mà hy sinh, thương vong ngay cả khi về hậu cứ nghỉ ngơi, sinh hoạt. Nguyên nhân của việc mất mát ấy một phần do việc nấu ăn: Ban đêm thấy lửa, ban ngày thấy khói.

Dù chúng ta vất vả chuyển đổi thời gian nấu nướng, nhưng máy bay địch theo manh mối cứ tìm tới. Những lúc ấy, anh nuôi dập lửa, dội nước vào bếp, vẫn không tránh kịp tai họa. Đang đun, dập lửa, cơm thường bị khê, sống. Nấu ăn ban đêm, ban ngày cơm nguội lạnh, bộ đội ăn không đảm bảo sức khỏe. Một buổi sáng dạo bên bờ suối, nhìn làn khói lượn lờ quanh mái bếp, ông Hoàng Cầm chợt nảy ra sáng kiến làm kiểu bếp có thể nấu nướng mọi thứ ban ngày mà không sợ máy bay địch phát hiện.

Bếp Hoàng Cầm trên sông

Bếp phải đạt được 3 yêu cầu chủ yếu: Bảo đảm bí mật (quá trình nấu ăn, ban đêm lửa không hắt sáng ra ngoài, ban ngày không có khói); bảo đảm an toàn (bếp vững chắc, không bị sụt lở trong quá trình nấu ăn, hạn chế được sát thương do mảnh bom đạn, an toàn cho cả người và vật chất); bảo đảm cấp nhiệt tốt (bếp cháy tốt, cung cấp đủ nhiệt cho quá trình nấu ăn, thao tác thuận tiện).

Từ ý tưởng ban đầu, sau nhiều lần, nhiều người áp dụng thực tế, bếp Hoàng Cầm được chia thành 3 loại theo quy mô, cấu tạo. Bếp cấp 1 cấu tạo gồm hầm bếp, hệ thống thoát khói và mái che tạm thời bằng tăng bạt, lá cây; sử dụng trong thời gian tạm dừng khi hành quân còn cách xa địch, hoặc trong chiến đấu tiến công.

Bếp cấp 2 cũng gồm 3 bộ phận như bếp cấp 1, nhưng trong hầm bếp có bể chứa nước, bàn làm thực phẩm, có đường nối với hệ thống giao thông hào trận địa. Mái che phần hầm bếp bằng gỗ, đất dày trên 0,5m. Bếp dùng trong chiến đấu phòng ngự hoặc trú quân dài ngày gần địch.

Bếp cấp 3 tương tự như bếp cấp 2, có thêm hầm chứa lương thực, thực phẩm và hầm ngủ của nuôi quân; mái che hầm bếp bằng bê-tông, kết hợp gỗ, đất dày trên 1m. Bếp dùng trong chiến đấu phòng ngự hoặc trú quân dài ngày gần địch, nơi địch đánh phá ác liệt.

Trong mỗi loại bếp, tùy thuộc vào vị trí của hố đặt nồi với nhau, bộ đội lại chia làm kiểu chữ I và chữ A. Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi một số sự cố đáng nhớ, như: Bếp khó cháy do quá ẩm, củi bị ướt hoặc hệ thống thoát khói bị tắc. Bộ đội phải dùng củi khô đốt sấy bếp, sấy củi cho khô, sửa lại hệ thống thoát khói. Có khi, lửa hắt sáng ra ngoài, do củi cháy gần cửa bếp, hoặc bếp bị gió thổi ngược. Để khắc phục hiện tượng này, người lính lại đẩy củi sâu vào trong cửa bếp, dùng vật liệu không cháy để che cửa bếp...

Sau này, do hoạt động ráo riết của không quân Mỹ, bếp Hoàng Cầm được áp dụng đại trà, bắt buộc trong các đơn vị quân đội khi hành quân tác chiến trên mọi chiến trường. Dừng lại đứng chân trên địa bàn mới, công việc trước tiên là phải đào hầm, công sự; bộ phận hậu cần cấp dưỡng phải đào bếp Hoàng Cầm. Một thời gian dài, bếp Hoàng Cầm được sử dụng rộng rãi trong toàn quân.

Với tinh thần sáng tạo, một số người đã cải tiến bếp ngày càng hoàn thiện hơn. Không chỉ vậy, bếp cũng được đưa vào giảng dạy trong các chương trình huấn luyện ở học viện, nhà trường, đơn vị toàn quân đội. Tuy nhiên, bếp chỉ xuất hiện trong tranh, ảnh là chủ yếu, chưa có mô hình cụ thể, hoặc chỉ là mô hình bếp cấp 1 phục vụ cho công tác huấn luyện.

“Tại các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, hiện nay chưa có mô hình bếp Hoàng Cầm 3 cấp. Nguyên nhân do cơ quan, đơn vị chưa có đủ điều kiện về thao trường, quỹ đất, kinh phí đào bếp. Nếu có thì chỉ được bếp cấp 1. Riêng bếp cấp 2 và cấp 3, ở các tỉnh Tây Nam Bộ, chất đất chưa bảo đảm xây dựng (không đủ độ cứng) giống như khu vực miền Đông trở ra Bắc. Do đó, hầu hết đơn vị phải sử dụng các loại bếp thông dụng ngoài thị trường” - trung tá Đặng Hoàng Nhân (Trưởng ban Quân nhu, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) chia sẻ.

Vì vậy, nhiều cán bộ, chiến sĩ mày mò, sáng kiến mô hình học cụ huấn luyện bếp Hoàng Cầm 3 cấp. Mô hình bếp được cấu tạo gọn, nhẹ, cơ động, dễ lắp ghép khi thực hành huấn luyện. Vật chất, vật liệu làm mô hình dễ tìm, dễ làm, thời gian làm nhanh, giá thành sản phẩm rẻ (chỉ vài trăm ngàn đồng/chiếc). Khi huấn luyện, rất thuận tiện cho người dạy; người học quan sát được cấu tạo, tính năng, công dụng của từng loại bếp. Những mô hình này có thể áp dụng huấn luyện trong hội trường, ngoài thao trường.

Bếp Hoàng Cầm gần như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả. Hòa bình, chiếc bếp chỉ dừng lại ở nội dung phác họa trên thực địa, làm mô hình để huấn luyện cho bộ đội, trở thành dụng cụ huyền thoại của người lính năm xưa.

Bếp có nhiều đường rãnh thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt cành cây, phủ lớp đất mỏng (được tưới nước để giữ độ ẩm). Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là dải hơi nước, tan nhanh khi rời khỏi mặt đất.

Do đó, có thể nấu bếp ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát của đối phương bay trên đầu. Yêu cầu bí mật đã được đề ra như khẩu hiệu một thời máu lửa: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, đã được thực hiện phần nào với sự hỗ trợ của bếp Hoàng Cầm.

 

GIA KHÁNH