Từ những hòn đất vô tri, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (SN 1976, xã Tú Sơn, Kiến Thuỵ, Hải Phòng) đã nhào nặn, tạo ra 100 con rồng gốm phù điêu với các hình dáng, tư thế khác nhau.
Các tác phẩm tiêu biểu sẽ được trưng bày vào dịp cuối tháng 1/2024 tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Nghệ nhân Tuyên tuổi rồng, như một sứ mệnh, ông đã lấy nguồn cảm hứng khai thác chuyên đề “Vũ điệu bách long”.
Bản thân tuổi rồng, làm tượng rồng bằng gốm, triển lãm vào năm rồng ở mảnh đất Thăng Long, theo Nghệ nhân Tuyên, đó là sự trùng lặp.
Bách long là 100 rồng gốm được chế tác, tạo sự khác biệt từng tư thế, bao gồm 3 loại chính: rồng đắp phù điêu trên các dáng bình khác nhau; rồng điêu khắc là rồng độc lập, ẩn hiện vần vũ trên những áng mây; rồng được phối cảnh với tượng Phật, Bồ Tát trong vai trò long thần hộ pháp.
"Rồng gốm mang hơi ấm của lửa, hồn cốt của đất, qua đôi tay của nghệ nhân đã chuyển thể tinh thần, kỹ năng chế tác mang dáng dấp rồng triều Hậu Lê. Rồng được thể hiện vần vũ, ẩn hiện và sinh động trên các màu men khác nhau cũng như các hình thể dưới loại hình ngôn ngữ điêu khắc và nặn đắp", nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên chia sẻ.
Bộ tác phẩm "Vũ điệu Bách Long" với con số 100 rồng thể hiện sự đầy đủ, viên mãn. Số 100 còn gắn liền với sự tích "Trăm trứng nở trăm con" hay câu nói "bách gia trăm họ"…
Dân tộc nào cũng làm gốm, mỗi dân tộc có phong cách riêng để phục vụ đời sống dân sinh. Hình tượng rồng thể hiện trên gốm không ít nhưng rồng trên gốm phù điêu mang nét đặc trưng riêng. "Tôi đã có sự kế thừa dòng gốm thời Mạc và phát triển thành một trường phái riêng biệt, thể hiện trên toàn bộ sản phẩm gốm phù điêu. Đây là một loại hình chế tác thiên về điêu khắc và nặn đắp", nghệ nhân Tuyên nói.
Mặc dù đã thể hiện được hàng nghìn tác phẩm gốm phù điêu nhưng "Bách long" là một thách thức rất lớn đối với nghệ nhân Phạm Văn Tuyên vì phải tìm tòi đến 100 tư thế biểu hiện của rồng, vừa uy dũng nghiêm trang, vừa uyển chuyển sinh động, vần vũ gắn với các phối cảnh mà không được trùng lặp, vừa đa dạng nhưng phải có tính thống nhất. Rồng thể hiện trên gốm phù điêu tạo thành bộ tác phẩm độc bản, được chế tác toàn bộ bằng thủ công. Nung một sản phẩm an toàn sẽ cần thời gian 3 ngày.
Nghệ nhân Tuyên cho biết thêm, tượng rồng được biến thể từ những bộ phận ưu việt của các linh thú, linh vật như rồng là mình rắn, vẩy cá chép, râu tôm, răng hổ, mũi trâu, móng gà, tóc sư tử, sừng hươu, mắt thỏ… Đó là sự hợp nhất các linh thú, linh vật trở thành một vật thể rồng theo quan niệm của người Việt Nam và thể hiện rất sinh động trên gốm sứ trong lịch sử nước ta.
Tuy nhiên, điều khó khăn trong chế tác tượng rồng điều khắc, theo Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên là dựng hình trên nền tảng của vật lý chịu lực được, sau đó mới đến kỹ thuật, mỹ thuật, hoàn hảo được các hoạ tiết, bố cục chặt chẽ, sinh động. Đây là giai đoạn thể hiện phần tạo hình cho một sản phẩm rồng.
Khó khăn khăn này buộc nghệ nhân phải từng bước nghiên cứu, thực nghiệm và đòi hỏi sự kiên trì mới đưa ra được công thức chế tác riêng về tượng rồng.
Bộ tác phẩm như một bộ phận trong cơ thể mà nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã dành trọn tâm huyết, gắn bó và mang tất cả những điều kiện vốn có để tạo ra được tinh thần “bách long”. Tất cả đều mang tinh thần thuần Việt.
"Bách long xuất hiện để chào xuân Giáp Thìn 2024 là cơ hội thể hiện kỹ năng thủ công chế tác bộ tác phẩm với số lượng lớn. Đây cũng là cơ hội cống hiến, khẳng định tính chất thủ công mỹ nghệ mà tôi đã chinh phục được trong thời điểm hiện tại. Những viên đất hiền hoà vô tri, thông qua tâm huyết và kỹ năng đôi tay của nghệ nhân, đất ấy trở thành những sản phẩm tinh hoa, mang hơi thở, hồn cốt dân tộc. Những sản phẩm tinh hoa chu du sang các nước sẽ mang vẻ đẹp miền đất và xứ sở con người gửi gắm và bang giao văn hoá", nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên chia sẻ.